Hồi còn học tiểu học, tôi và cô bạn hàng xóm được mẹ dẫn đến công viên nước. Nhân lúc mẹ không để ý, tôi và bạn lén đi ra khu bể bơi chơi. Không may tôi trượt chân ngã xuống nước, kéo theo cả bạn xuống. Tôi vùng vẫy còn bị sặc nước nữa, may mắn có nhân viên cứu hộ chạy tới cứu cùng với mẹ của tôi. Lúc lên bờ, tôi vô cùng hoảng loạn, nhưng khi mẹ đến gần tôi, câu đầu tiên là lớn tiếng mắng: "Biết như vậy là nguy hiểm lắm không, con đáng bị ăn đòn". Nghe mẹ nói vậy tôi tủi thân, òa khóc. Trong khi tôi đang khóc, tôi thấy mẹ của cô bạn hàng xóm nhẹ nhàng an ủi con gái mình: "Được rồi, công chúa nhỏ của mẹ, không sao rồi, đừng sợ có mẹ ở đây mà". Sau đó hai mẹ con họ cười rất hạnh phúc. Vài ngày sau, cô bạn tôi đã học cách hít thở để bơi, còn tôi thì cảm thấy bể nước thật đáng sợ, tôi không dám bơi nữa.
Đó là môi trường mà tôi lớn lên. Từ bé đến khi kết hôn, tôi luôn là một cô gái nhút nhát. Tôi không dám đưa ra quan điểm của mình vì sợ những lời chỉ trích của bố mẹ, thầy cô, mọi người xung quanh. Cô bạn hàng xóm của tôi thì trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Tôi thường nghĩ rằng, nếu mẹ tôi được như mẹ cô ấy thì cuộc sống bây giờ của tôi có phải đã khác?
Giáo dục sai cách
Khi con gây ra lỗi nhẹ nhưng người lớn lại thường làm quá lên, không kiểm soát lời nói của mình khi nói với trẻ. Có nhiều phụ huynh, sau khi trẻ phạm một lỗi lầm mà mình có thể đoán trước được, họ lại mắng con một cách khó chịu: "Đừng leo trèo, xuống ngay…", "Ngã đấy, nhìn vết thương ở chân con đi…", "Im lặng đi, con ồn ào quá"...
Giống như mẹ của tôi, khi bà nhờ tôi lau vũng nước trên sàn. Vì mải chơi nên tôi lấy khăn tắm lau, mẹ mắng rồi cầm chính chiếc khăn đó ném vào mặt tôi.
Tôi không phán xét sự giáo dục của mẹ mà trách mẹ đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của tôi mặc dù khi đó tôi chỉ là một đứa trẻ. Nhiều người cho rằng, trẻ con thì biết gì là xấu hổ, mất mặt nhưng họ không biết, đối với đứa trẻ đó, bị phạt lỗi và chế nhạo trước đám đông khiến chúng tự ti, mất tự tin vào bản thân. Khi bị như vậy, hầu hết trẻ em sẽ chọn né tránh thay vì chủ động đối phó, khắc phục những sai sót của mình. Theo thời gian, một nhân cách, một thái độ tiêu cực được hình thành.
Tích cực và tiêu cực trong một câu nói
Tôi đã đọc được một câu nói rất hay: "Sự dũng cảm không phụ thuộc vào khó khăn mà phụ thuộc vào thái độ của con người trước khó khăn". Đứa trẻ bị khiển trách nhiều sẽ có quan điểm về vấn đề bình thường một cách tiêu cực.
Ví dụ như: Một học sinh tiêu cực không biết chơi bóng rổ thì sẽ cảm thấy mình không thể chơi bóng rổ. Một bé gái tiêu cực từ chối kết bạn với những đứa trẻ khác vì nghĩ rằng mình xấu xí, họ sẽ chẳng muốn chơi với mình đâu…
Đó là một điều thật tồi tệ bởi vì suy nghĩ đó sẽ dẫn đến một tâm hồn u ám. Họ đối xử với bản thân và những thứ xung quanh một cách ảm đạm và tiêu cực. Vì vậy, họ thường mất đi cơ hộ làm lại, cơ hội thay đổi bản thân. Ngược lại nếu bạn có thể giống như mẹ cô bạn hàng xóm của tôi, hãy an ủi tích cực khi con phạm sai lầm, sẽ rất tốt cho tầm hồn của chúng.
Cháu trai tôi rất thích học bài, nhưng vì cầm bút sai cách nên một ngón tay bị sưng phồng. Chị gái tôi đến bên con và nói: "Con trai, con thực sự tuyệt vời, vì học tập chăm chỉ nên tay bị sưng, mẹ tin rằng sau này con sẽ là một nhà văn vĩ đại". Từ đó cháu tôi đã cố gắng cầm bút đúng cách và thành tích học tập luôn dẫn đầu lớp.
Cha mẹ nên làm gương cho trẻ
Trẻ em là chuyên gia bắt chước. Nếu cha mẹ của đứa trẻ thở dài hàng ngày, họ luôn giấu giếm con những cảm xúc của mình thì con trẻ sẽ trở nên ít nói, không cười đùa, nhút nhát, sợ phạm sai lầm thậm chí còn nói dối để che đậy sai lầm vì nghĩ rằng khi mình phạm sai lầm, chắc chắn sẽ bị trừng phạt.
Vì vậy cha mẹ hãy tạo cho con mình một suy nghĩ tích cực ngay từ nhỏ. Trẻ con như một tờ giấy trắng xóa, hãy vẽ lên đó một bức tranh đẹp bạn nhé!
Hạ Tú (Theo Giadinhvietnam.com)