Ngày nay, điều kiện vật chất tốt, trẻ thực sự kém cỏi rất hiếm. Những đứa trẻ điểm thấp phần lớn đều do một chữ "lười". Biểu hiện chủ yếu ở hai khía cạnh:
1. Lười hành động
Trẻ thành tich kém thường nghĩ nội dung học đơn giản, không coi trọng việc học. Chúng không chú ý nghe giảng trên lớp, về nhà không làm bài tập nghiêm túc. Làm xong bài tập lười kiểm tra và khi phát hiện sai sót lười sửa chữa. Hơn nữa, chỉ khi phụ huynh và giáo viên thúc giục, con mới chịu động tay động chân.
2. Lười tư duy
Hầu hết trẻ có thành tích kém thường chỉ muốn làm những dạng bài quen thuộc. Gặp bài hơi phức tạp là không muốn suy nghĩ. Với câu hỏi không chắc chắn, chúng không chủ động tìm hướng giải, không phân tích, viết đại cho xong. Sự nỗ lực hời hợt này khiến trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn "giả vờ chăm chỉ", dẫn đến kết quả không tương xứng với công sức.
Lười hành động, phụ huynh có thể cải thiện phần nào bằng cách nhắc nhở. Nhưng lười tư duy lại khó phát hiện hơn, đòi hỏi cha mẹ quan tâm, khuyến khích con đối mặt với thử thách. Nếu không phát hiện kịp thời, sự lười biếng sẽ kìm hãm phát triển tư duy, dần dần "tích lười thành ngốc", khiến thành tích sa sút.
Rèn thói quen trước, cải thiện điểm số sau
Thay đổi từ hành động
Suy nghĩ tốt không bằng hành động thiết thực. Hãy để con bắt đầu ngay. Cha mẹ có thể hỏi: "Hôm nay đi học có mệt không? Con muốn làm gì trước khi về nhà?"; "Con muốn làm bài tập ngay hay nghỉ 10 phút rồi làm?"...
Cách giao tiếp này tạo cơ hội cho trẻ tự lựa chọn, đồng thời giúp chuyển đổi giữa tư duy logic và cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy, trẻ được cho thời gian đệm bắt đầu làm bài nhanh hơn 3.2 lần so với bị ép buộc.
Đặc biệt với trẻ trên 10 tuổi - giai đoạn dậy thì và thức tỉnh ý thức cá nhân, phương pháp giao tiếp "trao quyền dần dần" này càng hiệu quả.
Thoát khỏi vùng an toàn
Dù hành động nhanh nhẹn, nếu không tích cực tư duy, điểm số vẫn dậm chân tại chỗ. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn "giả vờ chăm chỉ", cần giúp con thoát khỏi "vùng an toàn". Cha mẹ có thể nói: "Hôm nay có bài nào khó không? Cùng mẹ tìm cách giải nhé!"; "Bài này cần công thức gì? Con tìm thấy chưa?"; "Mẹ cũng chưa nghĩ ra hướng giải. Con suy nghĩ thế nào? Giải thích cho mẹ với!"...
Cách này truyền đi thông điệp "gặp khó có thể nhờ giúp đỡ". Nếu cha mẹ thường xuyên hỏi như vậy, tần suất trẻ chủ động tìm kiếm hỗ trợ sẽ tăng lên.
Phụ huynh cũng là người bình thường, có khi còn "kém" hơn con về khả năng học tập. Hãy thành thật nhờ con giảng bài để chúng trải nghiệm vai trò "thầy giáo nhí". Dù chưa hiểu, nhưng qua quá trình giải thích, trẻ sẽ tự khám phá ra hướng đi, sắp xếp lại tư duy. Đây chính là cốt lõi của phương pháp học thông qua dạy.
Lập kế hoạch thời gian
Trẻ lười tư duy dễ sa đà vào chiêu "câu giờ". Để tránh lãng phí thời gian, cần rèn kỹ năng quản lý thời gian và lập kế hoạch!. Cha mẹ nên nói: "Con còn bao nhiêu bài tập? Không phải định xem hoạt hình sao?"; "Dùng bảng kế hoạch này, quy định thời gian làm mỗi mục, con tính xem mấy giờ sẽ được xem phim?". Dưới áp lực thời gian, trẻ sẽ chủ động tìm cách giải quyết hoặc nhờ hỗ trợ.
Nắm chắc kiến thức nền tảng
Trẻ đạt 6 điểm chứng tỏ chưa vững kiến thức cơ bản. Trường hợp này cần ưu tiên củng cố nền tảng. Cha mẹ có thể giúp con bắt đầu từ chuẩn bị bài, đến việc căn dặn con nghe giảng nghiêm túc, cùng con ôn tập sau bài học, hoàn thành bài tập, kiểm tra lại bài làm
Không nghe giảng thì làm sao làm được bài tập? Không làm bài thì sao cải thiện điểm số? Vì vậy, phải kiên trì hoàn thành vòng tròn học tập.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)