Thời gian vừa qua, Hà Anh cùng chồng con về thăm gia đình chồng ở Anh. Trong những ngày đi du lịch xa, Hà Anh cho rằng con gái hoàn toàn có thể thích nghi để hòa nhập vào với cuộc sống và hoạt động của người lớn. Siêu mẫu đã đúc kết được những kinh nghiệm sau 6 tháng nuôi con gái đầu lòng.
Theo Hà Anh, dù còn nhỏ nhưng các bé vẫn có thể đi máy bay, đi du lịch được: "Máy bay gia dụng hoàn toàn an toàn, áp suất bên trong máy bay không hề có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ của bé. Nếu bé có bị ù tai, đau tai hay khóc, cũng chỉ là tạm thời, không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của bé cả. Vậy nên tầm hơn 1 tháng chút, khi thể trạng tôi đã hồi phục chúng tôi bắt đầu đưa con đi du lịch".
Thứ hai, bé có thể được tập làm quen với nước từ nhỏ. Khi tắm, nước chảy hay bắn chút vào mặt, mắt cũng không làm sao hết. Thực sự nên tập dần dần cho bé dạn nước khi tắm! Myla hơn 1 tháng đã được nhúng chút làm quen với hồ bơi, dĩ nhiên chờ lúc nhiệt độ ấm, nước không quá lạnh. Giờ cô nàng dạn nước cực kỳ! Khi tắm nước và xà phòng chảy vào mắt mà vẫn rạng rỡ cười như hoa. Khi bơi thì khỏi nói, sung sướng tỏ ra mặt. Những ông bố bà mẹ mê nằm hồ bơi như chúng mình, có cô con nhiệt tình hưởng ứng, thấy sướng! Làm gì cũng có thể có nhau.
Điều thứ ba là bé mạnh mẽ hơn mình nghĩ: Đừng quá lo buổi tối rồi không nên tắm bé (nếu phòng tắm kín không gió, tắm xong lau khô người mặc đồ ngay thì chẳng ảnh hưởng gì!) Myla thích được tắm chiều tối, vừa thư giãn trước khi bé ngủ lại vừa sạch sẽ thoải mái cho bé.
Thông thường nước lạnh lạnh chút hay gió có thổi chút cũng không sao. Đừng quá che chắn, con cũng phải thích nghi với môi trường bên ngoài! Myla đi du lịch bên ngoài lạnh 7,8 độ vẫn chẳng sao, mặc ấm nhất có thể rồi cứ thế đi! Làm gì cũng sợ không khéo cứ ru rú trong nhà? Trẻ con Tây không che chắn e dè thế không lẽ lăn ra ốm hết?
Khi bé đi ngủ (từ khi sơ sinh) đừng bọc cho bé quá ấm. Việt Nam mình lúc nào cũng sợ con lạnh. Mà khoa học nói rằng nhiệt độ thích hợp nhất cho trẻ con là cỡ 20 độ C, nên đừng mặc quần áo nhiều lớp, trùm mũ, găng, tất, chăn. Trẻ con bị nóng quá có nguy cơ SID (đột tử ở trẻ sơ sinh), vì vậy bọc con kín mít không tốt cho con. Đặc biệt không dùng chăn, gối cho trẻ khi chúng chưa tự ngồi dậy được vì chúng dễ bị ụp măt vào gối hay chăn quấn cổ. Trong cũi không để bất cứ thứ gì để gây khả năng nảy! Người lớn tự suy từ mình rồi bảo không nằm gối con không thoải mái! Thực chất nằm gối không những không thoải mái mà còn nguy hiểm cho con. Đây là điều thứ 4 Hà Anh chia sẻ cho các bố mẹ khi có con nhỏ.
Thứ 5, đừng cho con đi ngủ quá muộn. Lý do của chúng tớ là 7 giờ bé đi ngủ rồi, hai vợ chồng có 2,3 tiếng để dành riêng cho nhau. Con lại có lịch sinh hoạt ổn định, ngủ sẽ đủ giấc hơn. Tuy nhiên nếu đi du lịch thì con sẽ tạm thời thích nghi theo mình. Nó mệt lúc nào thì ngủ lúc đấy, nhưng có thể ngủ ở quán ăn, nhà bạn bè... đừng tập thói quen bé phải ở môi trường yên tĩnh mới ngủ được, sau này ngủ rất khó. Ban ngày con ngủ nhiều khi nhà yên ắng quá phải cố tình mở TV cho có tiếng khi con ngủ để tập cho con quen. Myla vì vậy ngủ "bờ bụi" thoải mái! Ba mẹ làm gì thì làm, con buồn ngủ cứ ngủ.
Thứ 6, không nên cho bé dùng găng tay từ khi sơ sinh: Từ khi mới sinh ra cô y tá đã bảo tôi là không cần đeo găng cho Myla. Để tay nó thoải mái khám phá mọi thứ sau này bàn tay sẽ khéo hơn. Nếu chẳng may bị cào vào mặt thì kệ, rồi nó sẽ tự rút kinh nghiệm nếu thấy đau! Tôi thấy quyết định này rất hay. Myla quả thực sử dụng bàn tay của mình rất thuần thục, biết điều chỉnh flow chảy sữa mẹ, cầm các vật dụng, ấn nút mở nhạc... giờ đang tìm tòi cách mở nút khoá áo ngực mẹ để tìm ti... mặc dù em mới 6 tháng tuổi!
Thứ 7, hãy cố gắng cho bé bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu nếu có điều kiện. Vì đây không chỉ là vấn đề dinh dưỡng, đề kháng cho bé, mà còn là trải nghiệm giúp hai mẹ con gắn bó, tìm tòi để hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Khi bú mẹ bé được nép vào lồng ngực mẹ, nghe nhịp đập tim của mẹ, sẽ cảm nhận được sự bình yên, yêu thương từ mẹ, nên đừng chỉ nghĩ rằng cho con bú là cho con ăn. Nếu không thể cho con bú thì dù bú bình bằng sữa bột hay sữa mẹ, hãy ôm bé vào lòng để vỗ về bé khi bé bú.
Điều thứ 8, nếu không thể cho con bú thường xuyên hay sữa không nhiều như mong muốn thì đừng quá cuống. Uống dặm thêm sữa bột nếu cần, đừng để bản thân quá cật lực hay stress về điều này! Quan trọng nhất là mẹ khoẻ con sẽ khoẻ, mẹ hạnh phúc con sẽ hạnh phúc! Không cần phải quá vất vả trong bất cứ vấn đề gì. Nuôi con phải biết thích nghi, linh hoạt khi cần, vì xác định đây là "cuộc chiến" dài kỳ. Cần dưỡng sức, tinh thần khi cần.
Thứ 9, đừng quá ỷ lại vào sự trợ giúp và hãy để người khác (chồng, bố mẹ, bảo mẫu) giúp đỡ: phụ nữ có hai kiểu quá đều không tốt- ỷ lại vào người giúp quá- sẽ không nếm trải cảm nhận hết được những trải nghiệm làm mẹ cũng như gắn kết với con. Hoặc có người quá ôm đồm không cho ai giúp đỡ hết rồi đâm ra quá lo lắng kiệt quệ. Hãy cố tìm ra sự cân bằng phù hợp cho điều kiện của chính mình.
Thứ 10, hãy trò chuyện với con, dù con bé nhỏ, hãy tích cực trò chuyện, hát, giải thích cho con, tâm sự với con nhiều điều. Con sẽ được giao lưu với mẹ và sớm học đươc khả năng ngôn ngữ, tạo thói quen nói chuyện, hát ca, diễn đạt cảm xúc của bản thân. Đừng cần kiệm những nụ hôn với con, động viên con và cũng đừng quên "giáo dục" con. Ví dụ như Myla ti mẹ, ngứa lợi cắn ti mẹ. Vài lần cứ mỗi lần con cắn, mẹ cất đi khỏi cho bú, bảo Myla là đừng cắn đau mẹ, thế là giờ Myla không bao giờ nghiến mẹ nữa.
Thứ 11, hãy chăm cho bé hoạt động, ra thế giới bên ngoài, tiếp xúc với nhiều người, nhiều trải nghiệm từ sớm, bé sẽ tìm tòi, quan sát, cảm nhận và học hỏi được nhiều thứ! Bé sẽ dạn dĩ hơn, vui vẻ hơn không sợ người lạ! Myla là Hoa hậu thân thiện, gặp ai cũng tươi cười, không khóc bao giờ! Mẹ không bao giờ doạ Myla là con chó cắn, con chuột cắn, ông áo ộp bắt... không nên khơi đầu cuộc đời con bằng những sợ hãi, e dè!
Thứ 11, hãy để bé thích nghi và phù hợp với cuộc sống, thói quen sinh hoạt của bố mẹ chứ đừng duy dời mọi thứ, đánh mất cá tính, thú vui của cả hai vì cứ nhất nhất phải theo con. Cuộc đời quay cuồng vì con, làm gì cũng e sợ ảnh hưởng đến con. Đi chơi không dám đi chơi, làm gì cũng phải theo điều kiện con mới dám làm mà điều kiện của trẻ con thì nhiều vô số kể nên nhiều khi nản khỏi làm nữa".
Cuối cùng, Hà Anh cho rằng dù chăm con nhưng không quên bản thân mình: "Có con là một hạnh phúc nhưng mà là hạnh phúc sống vì con. Bản thân mất đi cá tính, sở thích, vợ chồng cũng không còn nhớ dành thời gian để làm người yêu của nhau, thay vào đó là đóng vai bố mẹ quay cuồng 24/7, 365 ngày/ năm. Lâu lâu mất thói quen, thành ra chẳng có nhu cầu đi chơi riêng, làm đẹp, chồng vợ, vì sống vì con. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh từ đây.
Vì thế vợ chồng chúng tôi luôn cố gắng nhắc nhở bản thân, có con rồi dù sống vì con mấy cũng đừng quên bản thân và quên nhau. Bận rộn mấy cũng đừng quên chăm sóc cho chính mình và cho nhau".
Thu Trang (Theo Nld.com.vn)