Bố mẹ được ví như những người thầy ngôn ngữ đầu tiên của con. Vì thế, khi bố mẹ sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, những câu nói đó sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ sống và cả trình độ văn hóa cũng như sự phát triển tính cách của con sau này. Vì vậy, ngay cả trong những lúc nóng giận, bực bội hay phiền lòng về con trẻ, bố mẹ cũng không nên nói những điều sau nhé!
1. “Có như thế sao con không làm được?!”
Mẹ đừng dại mà quát nạt bé như vậy kèm theo vẻ mặt nặng nề khi con làm sai điều gì đó. Bởi bé không chỉ cảm thấy bị coi thường mà còn lo lắng, mất tự tin. Kết quả là những lần sau con thường ngại, không dám hỏi bố hoặc mẹ khi có thắc mắc về điều gì đó. Con cũng bị căng thẳng mỗi khi làm việc gì do sợ mẹ sẽ nổi giận. Đó là lí do mà bé không thể tiến bộ hơn. Vì thế, thay vì chê trách, mẹ hãy bình tĩnh chỉ dẫn để con có thể làm lại. Sự khuyến khích của mẹ mới là tốt hơn cả để bé tiến bộ.
2. “Đừng quấy rầy mẹ nữa!”
Sẽ chẳng dễ chịu chút nào khi bố/mẹ đang bận rộn hay mệt mỏi, mà con thì cứ bám lấy và hỏi han những câu chẳng đâu vào đâu, hoặc là đòi bố mẹ phải chơi cùng,…Nhưng đừng cau mặt và quát lên: “Bố/mẹ đang bận!”, “Để bố/mẹ yên nào!”… Các con sẽ chưng hửng, cụt hứng và thất vọng vì nghĩ chúng bị xua đuổi, chúng không có tâm quan trọng. Những thông điệp đó sẽ lập tức được in vào bộ óc non nớt của bé. Kết quả là càng lớn con càng “ngại” nói chuyện với bố/mẹ nếu như bây giờ bạn cứ lặp lại câu đó nhiều lần.
Hãy nhẹ nhàng hết mức để bé lớn lên tự tin, dạn dĩ. (Ảnh minh họa)
Vì vậy, nếu muốn bọn trẻ không làm phiền, bố/mẹ có thể thay bằng những câu
hợp lý hơn. Chẳng hạn: “Thôi chết, bố/mẹ đang bận mất rồi, con ra ngoài và chờ một lát nhé?!” hay: “Con yêu, bố/mẹ đang cần giải quyết công việc. Con có thể chờ ở ngoài và nhớ dặn em những làm ồn được không?”… Đảm bảo là bé sẽ lập tức nghe lời mà vẫn tỏ ra vô cùng hợp tác.
3. “Chẳng có gì đáng để lo cả!”
Thậm chí khi bố/mẹ an ủi con rằng: “Đừng lo lắng!” thì bé vẫn chẳng thế hết lo. Thay vào đó là cảm giác bố mẹ không hề quan tâm đến những lo lắng, cảm xúc của bé. Điều bố/mẹ nên làm lúc này là tìm cách tiếp cận với con, hỏi han xem bé đang gặp vấn đề gì, bé cảm thấy ra sao,… và đưa ra những cách giải quyết để con thấy thoải mái hơn.
4. “Con quá…”
“Mẹ nghĩ rằng con quá nhút nhát thì phải!”, “Sao con lại ích kỉ như vậy?”… Bố/mẹ đừng bao giờ nói như thế với bé. Vì con không bao giờ tin rằng đó chỉ là những câu hỏi, mà là câu nói về bản thân chúng. Và bố/mẹ bất đắc dĩ đã trở thành một nhà tiên tri với lời tiên đoán về tương lai của con mình.
5. “Nếu con không dừng lại ngay, bố/ mẹ sẽ đánh đòn!”
Đe dọa con với thái độ gay gắt như vậy vừa chẳng đạt được kết quả, lại làm chính bố/mẹ cảm thấy thất vọng và bất lực về chính bản thân mình. Vì thế, đừng trở thành một người khác trong mắt con và trong tiềm thức của chính mình. Chính vì vậy bố/mẹ nên cố gắng kiềm chế và giải thích với con rằng vì sao bé không nên làm thế, chắc chăn sẽ hữu ích hơn nhiều.
Mẹ đừng nghĩ chỉ đòn roi mới làm tổn thương con. (Ảnh minh họa)
6. “Tại sao con không giống như…”
Con bạn là một, là duy nhất, nên bố mẹ đừng nên so sánh bé với bạn bè, với anh chị em khác. Sự so sánh đó hoàn toàn không đem lại kết quả tốt, thậm chí còn bị phản tác dụng vì khiến bé bị áp lực, giảm sự tự tin, phẫn nộ. Rất nhiều trường hợp trẻ em bị tự kỷ do áp lực từ cha mẹ. Vì thế, hãy ngừng ngay những câu so sánh như thế này để con phát triển theo tính cách riêng của bé.
7. “Mẹ đã nói với con rồi…”
Khi bé gặp rắc rối do cố tình làm một việc gì mà trước đó bạn đã không đồng ý, bạn tưởng: “Mẹ đã nói rồi mà” là câu tuyệt vời để bé “tỉnh ngộ” và nhận ra sai lầm của mình. Thực tế, nó lại chỉ khiến tình hình xấu hơn mà thôi. Bé có thể tiếp tục vẫn làm những điều bị cấm đoán hoặc chẳng dám làm gì cả và trở nên nhút nhát.
8. “Không được khóc!”
Khi buồn hay sợ hãi, con khóc, đó là phản xạ tự nhiên xuất phát từ cảm giác của một con người. Nếu bố/mẹ nói: “Không được khóc” sẽ chẳng làm cho con cảm thấy tốt hơn, bé cũng không bớt buồn, sợ hãi đi chút nào. Vì thế, đừng bao giờ quát con như vậy, hãy để bé biết sống thật với cảm xúc của mình. Bố mẹ chỉ cần ôm lấy bé và để con thoải mái khóc, đó sẽ là điều nhẹ nhàng với bé nhất.
Những lời nói tồi tệ thường lại dễ ăn sâu vào lòng người. Nên trong lúc tâm trạng không được tốt, bố mẹ nên cố gắng kiềm chế chứ không nên nói những điều khiến bé bị tổn thương, nhất là trước mặt người khác. Thay vào đó, bố mẹ hãy tìm cách khích lệ, động viên để con cảm thấy tốt hơn và không bị tổn hại đến tinh thần.
Theo Khampha.vn