Con người có rất nhiều nỗi sợ bẩm sinh khó hiểu mà các nhà khoa học đã liệt kê ra: có người sợ lỗ tròn, người sợ độ cao, người sợ không gian kín... Một số phụ nữ mắc hội chứng Tokophobia, còn gọi là nỗi ám ảnh, sợ hãi về việc sinh con.
Tokophobia là gì?
Là hội chứng người phụ nữ rất hoảng sợ và muốn trốn tránh việc sinh nở, kể cả khi họ khao khát có một đứa con. Cảm giác sợ hãi này mạnh mẽ hơn và ám ảnh hơn nỗi sợ đau thông thường của giới phụ nữ về việc sinh đẻ nói chung. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người phụ nữ có thể hoảng loạn đến mức yêu cầu phá thai hoặc không có ý định mang thai vì không chịu được cảnh "vượt cạn" đau đớn.
Đi tìm nguyên nhân nỗi sợ sinh đẻ
Có rất nhiều lí do vì sao người phụ nữ sợ hãi việc sinh nở, dưới đây là một số lí do phổ biến nhất
- Do ý thức:
Những quan niệm tiêu cực về tình dục, mang thai, sinh nở mà người phụ nữ tiếp thu từ người khác trong quá trình lớn lên có thể ảnh hưởng đến sự tự tin về cơ thể và khả năng của họ. Hơn nữa, những câu chuyện về các ca đẻ khó, đau đẻ dài ngày hay được truyền miệng từ người này qua người khác và được kể lại nhiều hơn so với những chuyện về việc sinh nở dễ dàng. Những tiến bộ, thành tựu của khoa học kĩ thuật hiện đại ngày nay với rất nhiều máy móc, thuốc men trợ giúp trong sinh sản càng khiến người ta tin rằng sinh nở quả thực vô cùng nguy hiểm và khó khăn.
Cảm giác sợ hãi của hội chứng Tokophobi mạnh mẽ hơn và ám ảnh hơn
nỗi sợ đau thông thường của giới phụ nữ về việc sinh đẻ nói chung.
(ảnh minh họa)
- Do bản chất tâm lí:
Nếu bản thân bạn là một người hay lo lắng và bi quan hoặc có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, bạn sẽ có xu hướng sợ hãi về việc mang thai của mình hơn những người khác. Trong một số trường hợp, vì thế mà tokophobia xuất hiện.
- Do chấn thương và bạo hành:
Đối với những người từng trải qua một tuổi thơ sóng gió, bị cưỡng hiếp, bị bạo hành,... họ thường có chấn thương tâm lí nặng nề, vì vậy mà dẫn đến chứng sợ mang thai và sinh con.
Đi tìm giải pháp:
- Tham gia lớp học tiền sản:
Những lớp học chuyên nghiệp, bài bản này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức, sự tự tin, tâm lí vững vàng hơn. Hơn nữa, bạn có thể gặp gỡ, kết thân với nhiều người cùng lớp. Có người cùng sẻ chia, đồng cảm thì nỗi sợ sẽ được đẩy lùi.
- Tâm sự:
Hãy bày tỏ thẳng thắn cảm xúc của mình với người thân, bạn bè, bác sĩ, bạn sẽ tìm thấy sự giúp đỡ và cảm giác nhẹ nhõm hơn.
- Suy nghĩ tích cực:
Cơ thể người phụ nữ đã được Tạo hóa thiết kế để làm thực hiên việc sinh nở. Hầu hết các ca sinh đẻ đều trót lọt, êm xuôi. Bạn nên nghe chuyện về những ca sinh dễ dàng để có thêm động lực, tránh để cảm xúc tiêu cực lấn át. Tin tưởng vào chính mình là sức mạnh lớn nhất giúp bạn vượt qua mọi khó khăn.
- Chuẩn bị kĩ càng:
Trong thời gian mang thai nên tìm hiểu các phương pháp giảm đau khi sinh nở, hỏi thăm kinh nghiệm từ những người đi trước, lên kế hoạch rõ ràng về việc mình sẽ sinh ở đâu, ai sẽ đi cùng,... Cảm giác mọi thứ đều đã được bạn kiểm soát trong tay sẽ khiến bạn không còn lo lắng nữa.
- Tìm chuyên gia tâm lí
Nếu trong quá khứ, bạn từng bị bạo hành hoặc gặp chấn thương tâm lí nghiêm trọng, hay có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Theo Khampha.vn