Sinh con ra hẳn cha mẹ nào cũng mong đến ngày được nghe tiếng con gọi “Mẹ ơi/ Bố ơi”, mong đến ngày con chập chững những bước đi đầu tiên… Tuy nhiên ngoài những điều đó còn có rất nhiều điều bé làm lần đầu khiến bạn sẽ thấy rất thú vị, cùng điểm qua nhé!
1. Lần đầu bé nói “không”
Sự khó bảo hẳn không phải là điều các bố mẹ mong đợi ở con mình, tuy vậy lần đầu bé nói “không” với bạn đánh dấu một cột mốc quan trọng rằng bé đã nhận ra mình là một cá nhân độc lập với các ý kiến của riêng mình. Trẻ sơ sinh không biết nói nhưng các bé cũng biết quay đầu đi để từ chối sữa nếu bé đã no. Tuy nhiên đến khoảng 2 tuổi thì vốn từ cũng như trí não của bé đã phát triển đủ để bé biết nói “không” trước những gì bé không thích hay không muốn. Giai đoạn này có thể khiến cho một vài bậc cha mẹ cảm thấy thật khó khăn nhưng bạn hãy vui mừng rằng đây là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng để học về các giới hạn cũng như các quy tắc ứng xử rồi đấy!
2. Lần đầu bé tự đu mình trên xích đu
Đưa dây xích đu cho con hẳn là việc khiến nhiều cha mẹ thấy thật vui bởi họ cảm nhận được niềm vui cùng sự kết nối với con khi cùng tận hưởng những khoảnh khắc đầy tiếng cười này. Tuy nhiên việc bé tự biết đưa mình ra phía sau và nhún chân để có thể tự đu mình trên xích đu là một bước phát triển vượt bậc về kĩ năng vận động bởi việc này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ phận trên cơ thể. Bé có thể tự chơi xích đu trong khoảng từ 3-5 tuổi tùy thuộc vào sự phát triển vận động của từng bé.
3. Lần đầu bé biết tự chơi
Trong một thời gian dài, bạn cảm thấy thật mệt mỏi vì bé thật “quẩn chân”, bạn làm gì, đi đâu bé cũng không rời nửa bước. Và đến một ngày bạn bất ngờ khi thấy bé tự ngồi chơi một mình mà không cần đến mẹ. Đó là một cảm giác vừa vui mừng, vừa có phần hụt hẫng đối với nhiều bà mẹ. Đây là một cột mốc quan trọng cho thấy bé đã khá độc lập về mặt cảm xúc rồi đấy!
4. Lần đầu bé tự biết tên thật của mình
Trong khi bạn thấy việc gọi bé bằng đủ thứ tên đáng yêu thật thú vị thì lần đầu tiên bé phản ứng gì được gọi bằng “tên cúng cơm” trong giấy khai sinh lại là một bước phát triển cần được ghi nhận. Bé có thể nhận ra giọng nói quen thuộc của bạn khi mới chỉ được vài tuần tuổi, nhưng khi được khoảng 5-7 tháng thì bé sẽ bắt đầu tự liên hệ bản thân với tên được gọi nhờ khả năng liên kết ngôn ngữ giữa con người và các sự vật xung quanh.
5. Chơi một cách sáng tạo
Khi bé cầm một chiếc đũa và nói đó là trò chơi câu cá, hoặc khi bé cầm một khối hình hộp áp lên tai giả làm chiếc điện thoại – đó là lúc bạn nên cảm thấy hết sức vui mừng. Điều đó chứng tỏ bé có khả năng liên tưởng, sáng tạo và giải quyết vấn đề rất tốt.
Thông thường khoảng 2 tuổi là độ tuổi bé bắt đầu biết sáng tạo khi chơi, tuy nhiên cũng có bé sớm hơn hoặc chậm hơn đôi chút, bạn đừng nên quá lo lắng nếu thấy con mình chưa biết sáng tạo khi chơi nhé, thay vào đó hãy quan tâm và chơi với con thật nhiều, sẽ đến một lúc nào đó bạn cảm thấy thật ngạc nhiên và thú vị với khả năng liên tưởng của bé đấy!
6. Bé biết chia sẻ
Ích kỉ vốn là bản chất của con người, và việc bé bắt đầu biết giữ và đòi những đồ vật của mình là một trong những bước phát triển mà bất kì trẻ nào cũng trải qua. Tuy nhiên việc biết chia sẻ, biết đợi tới lượt mình khi chơi chung với các bạn lại là một điều thực sự khó khăn với hầu hết các bé. Phải đến khoảng 3 tuổi hầu hết các bé mới bắt đầu biết chia sẻ cùng bạn – điều này cho thấy kĩ năng giao tiếp của bé đã đạt đến một bước tiến bộ vượt bậc.
Để khuyến khích bé, bạn hãy nói chuyện thật nhiều với bé về việc chia sẻ cùng các bạn khi chơi và tỏ ra vui mừng hay khen ngợi mỗi khi bé biết chia sẻ đồ chơi, lượt chơi với các bạn khác nhé!
Theo Pháp luật xã hội