Thực tế cho thấy, có 2 điều tối kỵ khi kèm con làm bài tập, nhưng không ít phụ huynh lại thường xuyên mắc phải.
1. Cằn nhằn quá mức, khiến trẻ sinh chán ghét
Nhiều phụ huynh khi kèm con học bài dường như bật chế độ "cằn nhằn".
Chị hàng xóm nhà tôi, mỗi khi con ngồi vào bàn học là chị đứng bên cạnh không ngừng nhắc nhở. "Chữ viết nguệch ngoạc thế này, viết lại đi!", "Sao lại làm sai bài này nữa, trên lớp có nghe giảng không?", "Nhanh lên, đừng lề mề, bài tập ít thế này mà cũng viết lâu thế?".
Lúc đầu, đứa trẻ còn nghe theo vài câu, nhưng dần dà chúng chẳng thèm để ý, thậm chí nảy sinh tâm lý chống đối. Có lần, đứa bé không chịu nổi nữa liền quát lên: "Mẹ có thể im lặng một chút không, con không thể tập trung làm bài được nữa!".
Việc cằn nhằn quá mức không những không giúp trẻ tập trung học mà còn khiến chúng cảm thấy phiền phức, xao nhãng.
Khi làm bài, trẻ cần sự tập trung để suy nghĩ, lời cằn nhằn của phụ huynh giống như tiếng ồn, liên tục làm gián đoạn dòng suy nghĩ của chúng. Hơn nữa, bị nhắc nhở liên tục, trẻ dễ sinh ra tâm lý tự ti, cảm thấy bản thân luôn làm không tốt.
Vì vậy, chúng ta cần học cách kiểm soát lời nói, cho trẻ không gian tự suy nghĩ. Nếu trẻ gặp khó khăn, hãy hướng dẫn nhẹ nhàng thay vì chỉ trích và cằn nhằn.
Hiểu được những điều tối kỵ khi kèm con học, chúng ta cần học cách hướng dẫn đúng (Ảnh minh họa)
2. Tùy tiện làm phiền, phá hỏng sự tập trung của trẻ
Một số phụ huynh khác lại thích xen ngang khi con đang học bài.
Chị Mai mỗi khi con làm bài tập, lúc thì mang hoa quả vào, lúc lại hỏi con có đói không, lúc khác lại kiểm tra xem con làm đúng hay sai. Đứa trẻ đang tập trung suy nghĩ một bài toán, bị chị làm phiền, mạch suy nghĩ lập tức bị đứt đoạn.
Chị lại cho rằng mình đang quan tâm con, nhưng không biết rằng hành động đó đã phá hỏng nghiêm trọng khả năng tập trung của trẻ.
Sự tập trung cực kỳ quan trọng đối với việc học của trẻ. Khi tập trung, trẻ có thể hiểu bài tốt hơn, nâng cao hiệu suất học tập. Nhưng sự làm phiền tùy tiện của phụ huynh khiến sự chú ý của trẻ liên tục bị gián đoạn, khó đi vào trạng thái tư duy sâu. Lâu dần, khả năng tập trung của trẻ ngày càng kém, dễ xao nhãng khi làm bài.
Phụ huynh cần hiểu rằng, kèm con học không có nghĩa là lúc nào cũng đứng bên cạnh giám sát, càng không phải là tùy tiện làm phiền.
Chúng ta có thể chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập cho trẻ trước khi bắt đầu, tạo không gian yên tĩnh, sau đó để trẻ tự hoàn thành bài tập. Chỉ khi trẻ chủ động nhờ giúp đỡ, chúng ta mới đưa ra hướng dẫn phù hợp.
Hướng dẫn đúng cách, giúp trẻ trưởng thành
Hiểu được những điều tối kỵ khi kèm con học, chúng ta cần học cách hướng dẫn đúng. Khi kèm con học, cha mẹ nên thường cùng con lập kế hoạch học tập, giúp trẻ biết mỗi bài tập cần bao lâu để hoàn thành, từ đó rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian.
Trong quá trình con làm bài, cha mẹ nên ngồi bên cạnh đọc sách hoặc làm việc riêng, không tùy tiện làm phiền.
Nếu con gặp bài khó, cha mẹ không đưa ra đáp án ngay mà thông qua những câu hỏi gợi mở, hướng dẫn trẻ tự tìm ra cách giải. Phương pháp này sẽ giúp con ngày càng tự giác học tập, kết quả cũng được cải thiện rõ rệt.
Kèm con học bài là một "cuộc tu hành" đòi hỏi trí tuệ và sự kiên nhẫn. Hãy tránh những điều tối kỵ trên, sử dụng phương pháp đúng đắn để hướng dẫn trẻ, giúp trẻ hình thành thói quen học tập tốt, từ đó bước đi vững chắc trên con đường học vấn.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)