Lời nói của cha mẹ có thể vô tình gây tổn thương cho con cái, và những tổn thương này có thể ám ảnh trẻ suốt đời. Những ảnh hưởng tâm lý từ thời thơ ấu không chỉ tác động đến sự tự tin và tính cách của trẻ, mà còn có thể định hình tương lai của chúng. Dưới đây là ba câu nói tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của trẻ, mà nhiều bậc phụ huynh thường nói mà không nhận ra.
Lời nói của cha mẹ có thể vô tình gây tổn thương cho con cái. Ảnh minh họa
"Nhìn con nhà người ta mà xem"
Đây có lẽ là câu nói kinh điển nhất mà nhiều bậc cha mẹ đã từng nghe từ nhỏ và tiếp tục lặp lại với con mình.
Khi thấy con hàng xóm đạt điểm cao, mẹ buột miệng: "Con xem người ta học giỏi thế, còn con thì chỉ biết chơi suốt ngày".
Khi con làm bài tập chậm, mẹ lại thở dài: "Người ta đã làm xong từ lâu còn đọc sách, con thì lề mề mãi không xong".
Cha mẹ nghĩ rằng so sánh như vậy sẽ giúp con có động lực, nhưng thực tế nó chỉ khiến con cảm thấy mình vô dụng. So sánh không giúp con tiến bộ, mà chỉ khiến con tự ti và xa cách cha mẹ.
Cha mẹ nên làm gì?
Hãy khuyến khích con so sánh với chính mình ngày hôm qua, thay vì đem con ra so sánh với người khác. Ví dụ người mẹ có thể nói: "Con đã làm tốt hơn hôm trước rồi, mẹ thấy con tiến bộ lắm".
"Sao con ngốc thế, dạy mãi mà không hiểu"
Khi con làm sai bài tập toán, cha mẹ bực bội và buột miệng trách mắng: "Mẹ đã giảng mấy lần rồi, sao con vẫn không hiểu", "Cái này đơn giản thế mà cũng làm sai, con đúng là chậm chạp quá".
Những lời này có thể khiến con tin rằng mình thật sự ngu dốt, và dần tránh xa mọi thử thách vì sợ sai, sợ bị mắng.
Khi cha mẹ liên tục nói con "ngu dốt", con sẽ dần tin điều đó và không dám cố gắng nữa.
Cha mẹ nên làm gì?
Thay vì chỉ trích, cha mẹ hãy giúp con tìm cách giải quyết vấn đề. Ví dụ, người mẹ có thể nói: "Chắc con chưa hiểu phần này, mẹ thử giảng cách khác nhé", "Ai cũng có lúc sai, con thử nghĩ xem sai ở đâu để lần sau làm tốt hơn nhé".
Thay vì chỉ trích, cha mẹ hãy giúp con tìm cách giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa
"Con hư lắm, mẹ không cần con nữa"
Khi con không nghe lời, quấy khóc, hoặc nghịch ngợm quá mức, nhiều cha mẹ thường đe dọa: "Con mà còn khóc nữa, mẹ bỏ con luôn đấy", "Mẹ không cần con nữa đâu, để mẹ đem con cho người khác".
Có thể ngay lúc đó, trẻ sợ hãi và im lặng, nhưng sâu thẳm trong lòng, trẻ đang phải chịu một nỗi bất an cực lớn.
Đối với trẻ nhỏ, tình yêu của cha mẹ là tất cả. Ngay cả những câu nói đùa cũng có thể khiến con cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Cha mẹ nên làm gì?
Thay vì đe dọa, hãy giúp con hiểu cảm xúc của mình: "Mẹ biết con đang giận, nhưng con vẫn là bảo bối của mẹ", "Mẹ yêu con, nhưng mẹ mong con sẽ bình tĩnh lại để mình cùng nói chuyện nhé".
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)