Trẻ muốn nghịch đất cát, chúng ta nói: Bẩn, không được phép chơi!
Tước quyền chơi của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy ức chế, sự thích thú với thiên nhiên cũng dần “tan biến’ theo chữ bẩn. Thêm vào đó, người mẹ còn ngăn chặn nhận thức của trẻ với sự vật, giảm sự thăm dò của trẻ với không gian, môi trường xung quanh.
Trẻ muốn ăn, chúng ta nói: Cay lắm/ nóng lắm, con không ăn được đâu!
Trẻ có ăn mới có thể tự nhận thức. Bao bọc con quá đà không giúp bé an toàn. Trẻ cần phải được nếm đủ món đủ vị, để tự biết cảm giác cay ra sao, chát thế nào, nóng thì có thích không. Bó hẹp và cấm con ăn uông trẻ khiến con cảm thấy ngột ngạt. Và cũng chưa chắc, sau lưng cha mẹ trẻ sẽ không ăn.
Trẻ hơi khó chịu, mệt mỏi, không muốn đi học, không muốn uống thuốc, chúng ta nói: Bây giờ mẹ con mình đi bệnh viện cho bác sỹ tiêm nhé!
Mang bác sỹ và mũi kim ra “dọa” con trẻ chưa bao giờ là điều tốt. Càng như vậy trẻ sẽ càng có ác cảm với bác sỹ và nghĩ rằng bác sỹ không làm gì tốt ngoài việc khiến các bé bị đau. Trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại, các bác sỹ và những mũi tiêm mới là điều giúp trẻ thoát khỏi bệnh tật và trở nên khỏe mạnh.
Trẻ muốn tự xúc cơm, chúng ta nói: Bẩn quần áo đấy, vỡ bát đấy, thôi để mẹ xúc cho nhanh!
Vì mẹ đã “cơm bưng nước rót”, trẻ sẽ ngày càng trở nên thụ động, không hiểu được cảm giác vui vẻ của việc tự chủ và tự xúc cơm, chân tay sẽ trở nên thừa thãi và không còn nhu cầu làm việc vặt.
Trẻ đi học, chúng ta nói: Con phải nghe lời cô giáo.
Trẻ sẽ không còn dám giơ tay phát biểu khi chưa hiểu bài, không dám hỏi tại sao khi cô giáo yêu cầu. Sợ cô giáo mắng, con sẽ chỉ biết chấp nhận, không dám sáng tạo, không có quan điểm và ý tưởng riêng của mình.
Khi con muốn tự mình mặc những gì bé thích: Con mặc cái gì thế này
Khi trẻ lớn bắt đầu thích thể hiện bản thân qua trang phục bằng cách mặc những bộ đồ “không giống ai”, bố mẹ có thể cảm thấy lo lắng và nghĩ rằng con mình có thể bị lôi kéo vào những chú ý tiêu cực.
Với cụm từ này, trẻ có thể cảm thấy bị hiểu lầm và nghĩ bố mẹ không hiểu thế hệ mình. Tệ hơn, trẻ có thể cảm thấy bố mẹ đang cố gắng hạn chế sự độc lập của mình. Hầu hết trẻ sẽ phớt lờ bố mẹ và tiếp tục mặc đồ mình chọn, vẫn theo kiểu trên.
Với bố mẹ, chúng ta nên nhớ rằng khi trẻ lớn lên, việc chúng khẳng định sự độc lập và cá tính của mình là hoàn toàn bình thường. Trưởng thành nghĩa là khám phá thế giới. Thay vì chỉ trích, bạn nên giải thích tại sao một số trang phục không phù hợp với một số tình huống nhất định và tại sao bạn không muốn con mặc kiểu đó.
Trẻ muốn sự giúp đỡ của cha mẹ, bạn nói: Không phải lúc này, mẹ đang bận
Có những thời điểm, bạn quá bận đến mức không thể ngay lập tức trả lời con cái và chúng ta thường dùng cụm từ này. Tuy nhiên, một số trẻ có khuynh khướng đòi hỏi dai dẳng, gan lỳ. Vấn đề là cụm từ này nói với bé rằng con không quan trọng với mẹ và rằng chúng ta không có thời gian cho con. Điều đó có thể khiến bé thêm ngoan cố và thậm chí là nổi cơn giận dỗi để thu hút sự chú ý.
Để tránh điều này, cách khác tốt hơn là nói chuyện thẳng thắn với con và bảo bé rằng bố mẹ muốn lắng nghe yêu cầu của con nhưng lúc này có việc khẩn cấp cần giải quyết. Hãy đưa ra lịch hẹn cụ thể với con, chẳng hạn như 5 phút nữa, mẹ sẽ nói chuyện (hay làm điều gì đó trẻ đang muốn) với con.
Trẻ muốn giúp mẹ việc nhà, muốn tự làm một việc của người lớn, chúng ta nỏi: Con ngoan lắm, bây giờ mẹ chỉ cần con đọc sách này đi, hay vào học bài đi
Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để dạy con về trách nhiệm, cơ hội để trẻ được tự lập và thể hiện bản thân mình đã được mẹ “dập tắt từ trong trứng nước”.
Khi con khóc bạn nói: Con đừng khóc lóc nữa/Con im ngay
Một người mẹ thường nói câu này khi cảm thấy bé đang mất bình tĩnh, dùng chiêu mè nheo hay khóc lóc để vòi vĩnh. Vì không có cách gì hiệu quả để xử lý tình huống, cách dễ nhất bạn làm thường là bảo trẻ hãy thôi ngay. Tuy nhiên cách này thường nhận được kết quả ngược với mong đợi của phụ huynh. Khi nghe câu này, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ mình đang mất kiểm soát và chúng coi đây là cơ hội để tiếp tục khóc lóc hay mè nheo đòi thứ mình muốn.
Cách tốt nhất để giữ bình tĩnh bất cứ khi nào một cơn mè nheo xảy ra, đặc biệt ở nơi công cộng, là đưa trẻ ra khỏi nơi xảy ra sự việc, nói với trẻ rằng chúng ta sẽ nói chuyện với bé khi con ngừng khóc hay mè nheo, sau đó phớt lờ bé cho đến lúc con nín.
Trẻ được điểm cao ở lớp nhưng cô phê bình con viết chữ xấu, hay nói chuyện, nói leo hoặc ích kỷ, chúng ta nói: miễn con học tốt là được, những cái khác không quan trọng
Chỉ quan tâm đến “học văn” mà quên dạy con cách “học lễ”, đó không phải là cách giáo dục một con người thành đạt trong tương lai. Cha mẹ đang vô tình khiến con quên đi nhân cách mà chỉ quan tâm đến tài năng.
Con đòi hỏi bố mẹ mua đồ, chúng ta đáp ứng con ngay lập tức
Khi lớn lên, trẻ sẽ ngầm hiểu rằng mọi thứ của bố mẹ làm ra đều là để dành cho mình.
Khi con không nghe lời, chúng ta nói: Nếu con không nghe, mẹ sẽ mách cô giáo, bỏ con một mình, cấm con không được ăn….
Trẻ không nghe lời cần nhận được hình thức xử phạt. Tuy nhiên, đó phải là những hình thức hợp lý và đúng sự thật. Nếu chúng ta đã nói, chúng ta phải làm được, tránh tình trạng dọa suông hoặc đe dọa trẻ những điều không có thật. Lâu dần, trẻ sẽ “nhờn” với lời dọa dẫm của mẹ.
Trẻ học không giỏi bằng bạn bè, chúng ta nói: Con xem bạn A đi kìa!
So sành sẽ khiến trẻ thêm tự ti, không muốn cố gắng và cho rằng trong mắt bố mẹ mình không bao giờ là tốt, là hoàn hảo.
“Mẹ nói là phải thế” hay “Mẹ không quan tâm ai bày ra, con phải dọn đi” hoặc, “Mẹ không cần biết lý do, vì mẹ là mẹ con”.
Đôi khi chúng ta cảm thấy không thể nói với con rằng điều duy nhất bố mẹ có thể làm là khẳng định quyền lực làm cha mẹ của mình. Khi sử dụng những từ ra lệnh và chứng minh quyền lực này, chúng ta nhắc cho con cái biết ai là chủ và không có chỗ cho việc đàm phán hay các câu hỏi.
Trẻ có thể sẽ làm điều mẹ bảo khi bé nghe câu này nhưng nó cũng khiến chúng cảm thấy bất an về mối quan hệ bố mẹ và mình. Thực tế, một số bé, nếu không muốn nói là hầu hết trẻ, sẽ có khuynh hướng không chia sẻ mọi thứ với bố mẹ nữa.
Để tránh điều này, bố mẹ nên dùng cách khác: đưa ra phần thưởng và hậu quả đối với những nhiệm vụ họ muốn con thực hiện hoặc thay đổi hành vi không mong muốn. Điều này sẽ giảm bớt nhu cầu la rầy con của phụ huynh và trẻ sẽ dần dần biết cách làm theo các hướng dẫn khi cư xử.
phunutoday.vn