Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức y tế thế giới đang khuyến báo về tình trạng lạm dụng thuốc dị ứng xảy ở tất cả mọi lứa tuổi, nhất là ở trẻ nhỏ. Trẻ có thể bị dị ứng như các loại hạt, sữa, ong đốt, động vật có vỏ, phấn hoa... Dưới đây là những biện pháp tự nhiên tốt nhất để điều trị những loại dị ứng thường gặp ở trẻ nhỏ.
Đối với trẻ sơ sinh
1. Sử dụng nước muối sinh lý
Khi con bạn bị viêm mũi dị ứng, bạn hoàn toàn được sử dụng thuốc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào hai bên mũi của trẻ ngày 3 - 4 lần và sau đó dùng tăm bông mềm mại lau sạch lại. Nhớ lưu ý lấy rỉ mũi ra nhẹ nhàng.
2. Giữ ấm cơ thể trẻ, tránh những nơi quá khô hoặc có độ ẩm quá cao
Các chuyên gia dị ứng từ trường Đại học Dị ứng, Hen và miễn dịch Hoa Kỳ cho biết, đối với trẻ sơ sinh, cách tốt nhất để chữa trị các triệu chứng dị ứng theo mùa là để ngăn chặn chất gây dị ứng ngay từ đầu.
Do đó, nếu con bạn bị dị ứng với phấn hoa thì ở những thời điểm phấn hoa bay lên nhiều nhất vào giữa buổi sáng, đầu buổi tối và khi gió thổi thì bạn nên giữ con của bạn trong nhà càng nhiều càng tốt.
- Bạn cần lưu ý một điều là khi độ ẩm cao quá 40%, nó có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của các chất gây dị ứng trong nhà như nấm mốc và bụi. Do đó, bạn phải chủ động điều chỉnh độ ẩm trong nhà bằng máy hút ẩm hoặc máy tạo độ ẩm cho bé.
- Giữ ấm cơ thể: Tuyệt đối không để trẻ bị nhiễm lạnh, nếu không, các triệu chứng dị ứng ngày càng tăng.
- Tránh một số thực phẩm: Trong trường hợp con bạn bị dị ứng với cỏ, phấn hoa, rất có thể chúng cũng bị dị ứng với một số loại thực phẩm tương tự như trà hoa cúc, chuối, hạt hướng dương, dưa hấu, dưa chuột.
- Sử dụng miếng gạc lạnh: Khi ngứa mắt, trẻ sẽ rất khó chịu và luôn đưa tay lên gãi, bạn hãy thử đắp một miếng gạc lạnh lên để giúp bé giảm cảm giác ngứa và tránh bị sưng.
Đối với trẻ nhỏ
1. Đối với bệnh dị ứng theo mùa:
- Súc miệng để chữa viêm họng: Nếu ở thời điểm chuyển mùa, trẻ cảm thấy đau rát họng, bạn có thể giúp trẻ súc miệng với một chút nước muối ấm ngày 3 lần sau khi ăn.
- Giữ môi trường quanh trẻ sạch sẽ: chất lượng không khí có thể làm cho tình trạng dị ứng thêm tồi tệ. Vì thế, bạn nên mở cửa sổ trong nhà của bạn để thông gió cho không gian của bạn. Bên cạnh đó, bạn cần phải sử dụng các sản phẩm làm sạch tự nhiên, không nên sử dụng lò sưởi hoặc đốt nến thơm.
- Tuyệt đối tránh hút thuốc trong phòng trẻ
- Sử dụng gia vị: nếu con bạn ăn cay được, bạn có thể thêm một ít hạt tiêu, gừng hay tỏi vào các món ăn cho bé để tăng sức đề kháng và giảm các triệu chứng sưng viêm hay ngứa ngáy khó chịu.
2. Dị ứng đồ ăn
- Tránh thực phẩm có thể gây ra dị ứng: Khi chuẩn bị bữa ăn cho bé, bạn nên tránh các nhóm thực phẩm có nguy cơ gây bệnh dị ứng thực phẩm như lúa mì, đậu nành, sữa bò, trứng, đậu phộng, hạt (như hạt điều, quả óc chó), cá (như cá tuyết, cá hồi, cá ngừ), và các loại giáp xác (như tôm, cua).
- Dùng nước muối xịt mũi cho trẻ: Bạn có thể làm sạch mũi của bé 2 hoặc 3 lần một ngày với nước muối xịt mũi để giảm nghẹt mũi.
- Thay đổi công thức sữa: Khi trẻ có biểu hiện dị ứng với sữa công thức, bạn nên thay đổi các sản phẩm sữa khác. Tuy nhiên, cần có sự tư vấn của bác sĩ.
3. Dị ứng thuốc
- Khi bạn trẻ có biểu hiện dị ứng với thuốc, bạn nên ngừng cho trẻ uống thuốc, báo lại với dược sĩ hoặc bác sĩ của trẻ để được tư vấn.
- Sử dụng gạc lạnh trên khu vực bị dị ứng trên da
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, nhẹ và thoải mái, đồng thời cho trẻ ở một căn phòng rộng và thoáng mát hơn.
- Cho trẻ uống thêm vitamin C và ăn nhiều rau củ quả để tăng sức đề kháng.
- Cho trẻ uống 6 - 8 ly nước ấm mỗi ngày
4. Viêm mũi dị ứng
- Cho trẻ uống 1 hoặc 2 tách trà gừng hoặc trà hoa cúc mỗi ngày để giảm sưng đường mũi, gừng có tác dụng giảm viêm dị ứng.
- Nhỏ một vài giọt tinh dầu bạc hà, oải hương vào nước sôi, giúp trẻ xông mũi để không bị tắc mũi và khó thở nữa.
- Nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm và ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C
Minh Huệ (Theo Giadinhvietnam.com)