Ông bà
Khảo sát toàn quốc đầu tiên về mối quan hệ giữa thanh thiếu niên với ông bà cho thấy ông bà tham gia vào quá trình nuôi nấng cháu có thể đóng góp vào sự hạnh phúc và khỏe mạnh của cháu. Công trình do Đại học Oxford phối hợp với Viện nghiên cứu giáo dục, London, thách thức một công trình trước đó cho rằng ông bà quá gắn bó với việc chăm sóc cháu có thể trở nên suy yếu và gây ra ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ.
Công trình này khảo sát bản câu hỏi từ 1.596 trẻ em, tuổi từ 11 đến 16 trên toàn nước Anh và xứ Wales, và các nhà nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn chi tiết với 40 trẻ có hoàn cảnh khác nhau. Một phát hiện quan trọng khác của công trình này là gần 1/3 bà ngoại chăm sóc cháu đều đặn thường xuyên, với khoảng 40% thỉnh thoảng giúp chăm sóc cháu.
Bản điều tra tiết lộ rằng, ông bà thường dành nhiều thời gian gần gũi trẻ trong nhiều hoạt động hơn bố mẹ đi làm và sẵn sàng nói chuyện với cháu về bất kỳ vấn đề mà người trẻ thường gặp phải. Họ cũng thường liên quan đến việc giúp trẻ giải quyết các vấn đề riêng cũng như nói chuyện về các kế hoạch tương lai của trẻ.
Ngoài ra, ông bà là người giàu kinh nghiệm sống, đã có sự trải đời sâu sắc, nếu là người có kiến thức phong phú, có lối sống và cách đối nhân xử thế tuyệt vời thì con cháu, chắc chắn sẽ học được rất nhiều điều tích cực từ họ.
Giáo viên
Ngoài gia đình đóng vai trò then chốt trong quá trình trưởng thành của trẻ, bên ngoài xã hội, vai trò của người thầy cũng rất quan trọng. Người xưa nói: “Làm thầy một ngày, làm cha cả đời”. Có thể thấy, người thầy có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ đến con trẻ. Trong dạy học hàng ngày sẽ xảy ra hiện tượng như: một khi trẻ đã ghét cô giáo thì khó học tốt bài này. Ngược lại, nếu trẻ có ấn tượng tốt về giáo viên thì dù trình độ giảng dạy của giáo viên không cao, học sinh vẫn có thể học tốt môn học này.
Trong mỗi lớp học đều có trẻ đạt điểm cao và có trẻ bị điểm kém, có nhiều lý do để xác định điểm của trẻ là tốt hay xấu, giáo viên không thể quyết định nhưng giáo viên có thể tác động đến thái độ học tập của trẻ thông qua thái độ của chính mình đối với trẻ. Hãy đối xử với những đứa trẻ bị điểm kém, nhìn chúng với góc độ phát triển và tìm ra những điểm sáng của chúng. Một giáo viên giỏi có thể không cho trẻ điểm cao nhưng họ có thể khiến trẻ say mê học tập hơn là ghét học
Bạn cùng chơi của con
Trẻ em thích kết bạn và chơi cùng nhau, nhưng khi một nhóm được thành lập, những thành viên trong đó sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Có thể một đứa trẻ nhút nhát sẽ trở nên mạnh dạn hơn và a dua hay bắt chước bạn trong nhóm làm những việc mà trước đây chưa từng làm. Vì vậy, nếu bạn cùng chơi của trẻ ích kỷ hống hách, thích đánh đập, trẻ cũng có thể học thói xấu tương tự, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ngược lại, khi trẻ chơi chung với những người bạn biết hoc hành chăm chỉ, có trật tự, nề nếp, biết suy nghĩ... , trẻ sẽ dễ được cảm hóa, nhận ảnh hưởng tích cực và học theo tấm gương sáng của bạn.
Tóm lại, ngoài việc học hành, phụ huynh cũng cần quan sát xem trẻ hay tiếp xúc với ai, có sự đánh giá và can thiệp kịp thời khi cần thiết để con cái mình không bị cuốn theo những hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó, cha mẹ nên nêu tấm gương phù hợp cho con cái từ khi chúng còn nhỏ, hãy rèn luyện cho chúng tính cách tự tin, lạc quan, vui vẻ và dũng cảm, đồng thời dạy chúng trở thành những người lịch sự và văn minh. Được như vậy, khi trẻ hòa đồng với người khác cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)