Là cha mẹ, ai cũng mong con mình thông minh lanh lợi, có chỉ số IQ cao. Để đạt được mục tiêu này, nhiều phụ huynh chú trọng giáo dục thai nhi ngay từ khi mang thai, mỗi ngày đều tìm cách dạy dỗ đứa con trong bụng. Thậm chí có người còn tính toán kỹ lưỡng thời điểm thụ thai, hy vọng mang lại điều kiện tiên thiên tốt nhất cho con, đảm bảo trẻ có khởi đầu vượt trội.
Thông thường, theo nhận thức của nhiều người, trí thông minh của trẻ phụ thuộc vào hai yếu tố là gen di truyền và sự khai phá, bồi dưỡng sau này. Ngoài ra, chúng ta khó có thể liên hệ nó với bất kỳ yếu tố nào khác.
Nhưng nếu bây giờ nói với mọi người rằng trí thông minh của trẻ có mối liên hệ mật thiết với tháng sinh, liệu bạn có tin không?
1. Trí thông minh của trẻ liên quan đến tháng sinh?
Nhắc đến điều này, hẳn nhiều phụ huynh cũng giống tôi, đều có một dấu hỏi lớn trong đầu. Bởi nếu trí thông minh thực sự liên quan đến tháng sinh, thì mọi người chỉ cần tính toán ngày tháng cẩn thận là có thể đảm bảo con mình có một "khởi đầu cao cấp". Nghĩ kỹ lại, sao cũng thấy không hợp lý.
Nhưng thực tế, nhận định này không phải là không có cơ sở.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã theo dõi và khảo sát hàng nghìn trẻ em trong thời gian dài, phân tích tháng sinh, môi trường phát triển và kết quả kiểm tra trí thông minh của chúng. Kết quả phát hiện, những trẻ sinh vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm thường có khả năng nhận thức, biểu hiện học tập và điểm kiểm tra trí thông minh vượt trội hơn so với bạn cùng lứa sinh vào các tháng khác.
Các trường đại học danh tiếng trong nước như Thanh Hoa, Phúc Đán, Chiết Giang, Nam Khai ở Trung Quốc cũng đã tiến hành khảo sát dài hạn về mối liên hệ giữa trẻ sơ sinh và tháng sinh. Kết quả cũng cho thấy, trong số tân sinh viên của các trường này, tỷ lệ trẻ sinh vào tháng 9 và tháng 10 cao hơn hẳn so với các tháng khác.
Qua đây có thể thấy, những trẻ sinh vào tháng 9 và tháng 10 không chỉ có trí thông minh vượt trội so với bạn cùng lứa mà cả thành tựu và phát triển trong tương lai cũng có lợi thế nhất định.
2. Tại sao trẻ sinh tháng 9 và tháng 10 lại đặc biệt như vậy?
Chúng ta đều biết, mọi kết luận đều không phải ngẫu nhiên, mà ẩn chứa những lý do nhất định. Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu xem trẻ sinh vào tháng 9 và tháng 10 có những điểm đặc biệt gì.
Phát triển vận động tốt hơn
Các bậc cha mẹ có con nhỏ đều biết, trẻ sinh vào tháng 9 và tháng 10 thường bước vào giai đoạn tập bò vào tháng 5 và tháng 6 của năm sau. Và hai tháng này thường có nhiều lợi thế.
Thứ nhất, tháng 5 và tháng 6 có khí hậu ôn hòa, không quá nóng cũng không quá lạnh, trẻ không phải mặc quần áo dày cộm, trong quá trình bò, cơ thể có thể duỗi thẳng thoải mái hơn. Thứ hai, thời tiết ấm áp dễ chịu, không có yếu tố ngoại lực cản trở, trẻ thường có xu hướng muốn bò nhiều hơn.
Đến đây, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: "Tập bò" và "trí thông minh" có liên quan gì với nhau?. Có một cuốn sách "Từ điển nuôi dạy con khoa học" có thể cho chúng ta câu trả lời, trẻ càng bò nhiều, vận động càng phát triển tốt, càng có lợi cho sự phát triển của não bộ.
Nói cách khác, trẻ bò nhiều không chỉ phát triển tốt về khả năng phản ứng cơ thể, thăng bằng mà còn nhờ sự vận động của tứ chi kích thích toàn diện não bộ, từ đó khiến não phát triển vượt trội hơn so với trẻ khác.
Lợi thế về tuổi nhập học
Trong nhiều hệ thống giáo dục, tháng 9 là mốc phân chia năm học. Điều này có nghĩa, trẻ sinh vào tháng 9 và tháng 10 thường là những học sinh lớn tuổi hơn trong lớp.
Vậy điều này có lợi gì? Theo nghiên cứu tâm lý học, trong cùng một lớp, trẻ lớn tuổi hơn thường có khả năng tập trung, tự kiểm soát và học tập tốt hơn. Hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng tuổi tương đối".
Ví dụ, một nghiên cứu đăng trên "Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục Mỹ" chỉ ra, ở bậc tiểu học, trẻ lớn tuổi hơn thường có thành tích học tập cao hơn 10%-20% so với trẻ nhỏ tuổi hơn. Hơn nữa, lợi thế này sẽ tích lũy theo thời gian, tiếp tục ảnh hưởng đến sự tự tin và động lực học tập của trẻ.
Ảnh hưởng của ánh sáng theo mùa đến phát triển não bộ
Trẻ sinh vào tháng 9 và tháng 10, trong giai đoạn cuối thai kỳ và những tháng đầu sau sinh, được tiếp xúc với ánh sáng đầy đủ. Ai cũng biết, ánh nắng mặt trời thúc đẩy cơ thể tổng hợp vitamin D, mà vitamin D lại cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển thần kinh não bộ. Có thể thấy, trí thông minh vượt trội của trẻ sinh vào hai tháng này là điều dễ hiểu.
Một nghiên cứu khác của Trường Y Harvard cũng chỉ ra, trẻ sơ sinh có nồng độ vitamin D cao thường có biểu hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức và ngôn ngữ. Ngoài ra, thời tiết mùa xuân hè ôn hòa, cha mẹ cũng sẵn sàng đưa trẻ ra ngoài hoạt động nhiều hơn, từ đó kích thích giác quan và phát triển não bộ của trẻ.
3. Trẻ sinh vào các tháng khác thì sao?
Nói nhiều như vậy, có phụ huynh sẽ cho rằng điều này đang tạo ra nỗi lo lắng không đáng có. Bởi cuộc sống luôn có những "bất ngờ", khó có thể đảm bảo trẻ sinh đúng vào hai tháng này. Thực tế, dù nghiên cứu cho thấy trẻ sinh vào hai tháng này có một số lợi thế nhất định, nhưng trí thông minh cũng như sự phát triển và thành công trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Vì vậy, dù trẻ không sinh vào hai tháng này, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng, có thể thông qua các cách khác để hỗ trợ trí thông minh của con. Ví dụ, chú trọng giáo dục sớm, tương tác nhiều với trẻ, cùng đọc sách, chơi các trò chơi trí tuệ. Hoặc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để thúc đẩy phát triển não bộ...
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)