Ốm nghén là triệu chứng phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ. Theo thống kê, có đến 80% chị em bị ốm nghén ở những mức độ khác nhau. Nhiều mẹ bầu ốm nghén đến mức không thể ăn uống gì, cân nặng giảm sút trầm trọng. Để giúp mẹ bầu hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấn, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Cần - Giảng viên Đại học Y Hà Nội.
Thưa bác sĩ, ốm nghén có những biểu hiện như thế nào?
|
Bà bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi trong những ngày đầu tiên em bé xuất hiện trong cơ thể bạn. 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, đi tiểu nhiều, dị ứng với một số thức ăn có mùi tanh, mùi khó chịu. Tuy nhiên, khi sang tháng thứ 4, tình trạng này giảm dần.
Trường hợp mẹ mang bầu trong 2 -3 tháng đầu tiên mà không ăn uống được gì, thậm chí dùng sữa bà bầu cũng bị nôn, ói, tiêu chảy. Như vậy ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Ốm nghén là một triệu chứng phổ biến xảy ra trong giai đoạn mang thai. Nguyên nhân chính gây ra ốm nghén là do nội tiết và gormone của người phụ nữ mang thai biến đổi một cách sâu sắc ngay từ đầu thai kỳ, cơ thể nhạy cảm với sự thay đổi và phản ứng trước những biến đổi này gây ra ốm nghén. Hơn thế nữa, khi mang thai khứu giác trở nên nhạy cảm với một số mùi, khiến thai phụ cảm thấy khó chịu và buồn nôn, nôn ói.
Tuy nhiên, một số trường hợp ốm nghén nặng, không ăn uống được sẽ dẫn đến tình trạng thai phụ bị mất nước, suy kiệt sức lực, tiếp đến xuất hiện triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu… có thể ngất và hôn mê.
Bên cạnh đó, nôn nhiều dễ khiến thai phụ bị tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy yếu chức năng gan. Còn với thai nhi, có thể bị nhẹ cân và chết lưu.Trường hợp nghén nặng cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để khám và điều trị ngay.
Có đến 80% chị em bị ốm nghén ở những mức độ khác nhau. (ảnh minh họa)
Bác sĩ cho biết, những cách để giảm ốm nghén cho bà bầu?
Để giảm ốm nghén cho bà bầu, các bạn nên tránh những áp lực, những căng thẳng trong cuộc sống, nên uống nước thường xuyên để phòng tình trạng mất nước. Các mẹ nên bổ sung thêm vitamin để đảm bảo đầy đủ chất như: sắt, acid folic, canxin.. cho cả mẹ và bé.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể sử dụng những phương pháp tự nhiên như: dùng gừng tươi, bạc hà. Đây là loại thảo dược phổ biến trong Đông y, nổi tiếng với tác dụng chống cảm giác buồn nôn. Bạn có thể uống trà gừng hoặc ăn kẹo gừng bất cứ khi nào bạn cảm thẩy buồn nôn. Mẹ bầu nên tránh những thực phẩm dễ gây ói.
Trong giai đoạn này cũng thường xuyên đến các chuyên gia dinh dưỡng để chăm sóc, nghe tư vấn và xây dựng chế độ ăn uống cho phù hợp nhằm tối đa hóa năng lượng, cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho cả mẹ và bé.
Lời khuyên của bác sĩ về các thực phẩm để tốt cho dinh dưỡng và sức khỏe của bà bầu?
Mẹ bầu nên tăng cường trong bữa ăn của mình các thực phẩm như: gạo lức, khoai, ngô. Khoai lang rất giàu tinh bột và các axit amin. Ngoài ra, các loại vitamin A, B, C và cellulose có trong khoai lang cao hơn nhiều so với trong gạo và bột mì. Hàm lượng sắt, canxi, khoáng chất của khoai lang cũng rất phong phú.
Ngô giàu chất xơ, giúp bà bầu giảm táo bón và các vấn đề liên quan đến thời kỳ mang thai. Bắp ngô cũng dồi dào axit folic. Ở dạng tự nhiên, axit folic là folate. Đây là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng cho phụ nữ chuẩn bị mang thai và đã mang thai vì nó có khả năng ngăn chặn khuyết tật ống thần kinh của bào thai như tật nứt đốt sống và dị tật thần kinh khác.
Folate cũng có hiệu quả trong việc giảm homocysteine (một loại amino axit làm tổn thương các mạch máu). Ngô có chứa thiamine, chất cần cho tế bào não và chức năng nhận thức ở bào thai. Thiamine còn giúp sản xuất acetylcholine (một chất dẫn truyền thần kinh), tăng cường khả năng ghi nhớ của bé sau khi chào đời.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo Khám Phá