Răng sữa là loại răng răng được mọc lên trong khoảng thời gian bé từ 5 tháng tuổi trở lên. Chúng mọc lên để giúp cho xương hàm phát triển ổn định, giúp cho bé dễ dàng trong việc ăn nhai, phát âm. Và sau 1 khoảng thời gian nhất định, răng sữa sẽ rụng đi và thay thế bằng răng vĩnh viễn.
Khi răng nanh sữa rụng đi và răng nanh vĩnh viễn mọc lên nếu bố mẹ không chú ý thì sẽ có thể dẫn đến tình trạng bé mọc răng khểnh. Trẻ con mọc răng khểnh trong khoảng thời gian từ 10 - 12 tuổi và bình thường sẽ mọc từ 1 - 2 chiếc răng nanh khểnh. Tuy nó không tham gia nhiều vào quá trình ăn nhai nhưng có thể sẽ dẫn đến việc khớp cắn bị lệch. Đặc biệt là ảnh hưởng đến thẩm mỹ của hàm răng.
Vì vậy, việc cha mẹ quá lo lắng về vấn đề răng khấp khểnh trước 12 tuổi là vô ích. Bởi trong thời kỳ thay răng, răng của trẻ chưa được cố định. Răng và xương mặt cũng chưa phát triển hoàn chỉnh. Trong giai đoạn này chúng ta không thể can thiệp, điều chỉnh trẻ bằng tay mà chỉ có thể chờ răng mọc phát triển và ổn định. Nhưng nếu sau 12 tuổi mà hàm răng của trẻ vẫn khấp khểnh thì cha mẹ cần có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Để hàm răng của trẻ mọc được đều đẹp, chúng ta cần chú ý những điểm sau:
Chú trọng bổ sung canxi qua chế độ ăn
(Ảnh minh họa)
Quá trình mọc răng của trẻ cần có đủ canxi để làm chỗ dựa, nếu cơ thể thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của răng, vì vậy chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc bổ sung đủ canxi cho trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Lúc bình thường, bạn có thể cho trẻ uống thêm sữa, các loại đậu và chế phẩm từ đậu, hải sản… Những thực phẩm này rất giàu canxi.
Ăn nhiều thức ăn cứng để rèn luyện răng
(Ảnh minh họa)
Việc răng sữa rụng chậm sẽ ảnh hưởng đến sự mọc lên của răng vĩnh viễn ở vị trí bình thường, vì vậy trẻ có thể ăn một số thức ăn cứng vừa phải trong thời kỳ thay răng để giúp răng sữa rụng đúng thời điểm. Hơn nữa, thông qua hoạt động nhai hàng ngày của khoang miệng, lực tác động giữa các răng cũng có thể điều chỉnh tốt vị trí mọc của răng.
Phát triển thói quen răng miệng tốt
(Ảnh minh họa)
Đối với trẻ đang trong thời kỳ thay răng, cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ thói quen răng miệng tốt như chải răng đúng cách, không dùng tay chạm vào răng, hạn chế ăn đồ ngọt… môi trường miệng tốt thì răng của trẻ mới có thể khỏe mạnh hơn.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)