Trong nuôi dạy con cái, khen ngợi là một môn nghệ thuật. Nhiều cha mẹ thường dùng những câu chung chung như "Con giỏi lắm", "Con thông minh quá" để khen con. Nhưng ít ai biết rằng cách khen này đôi khi phản tác dụng.
Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra, những lời khen không đúng cách có thể làm giảm động lực nội tại của trẻ, khiến chúng sợ thử thách, thậm chí gây phản kháng.
Như lời khen "con giỏi lắm", thoạt nghe có vẻ tích cực. Nhưng thực chất, điều này chửa hẳn làm con hài lòng, cũng không thấu hiểu nhu cầu và cảm xúc của con. Quan trọng hơn, cách diễn đạt mơ hồ này thiếu nội dung cụ thể, dễ khiến trẻ nghĩ rằng cha mẹ đang khen cho có.
Vậy phụ huynh nên khen con thế nào?
Dưới đây là 3 "công thức khen ngợi" đã được kiểm chứng, thuộc lòng và áp dụng thường xuyên sẽ giúp trẻ tự tin và thành công.
1. Công thức khen mô tả: Hành động cụ thể + Tác động tích cực
Ví dụ, khi con vẽ một bức tranh đẹp, đừng nói "Bức tranh đẹp quá". Thay vào đó hãy nói: "Mẹ thấy con dùng nhiều màu sắc, còn tô bầu trời màu tím, sự sáng tạo này rất độc đáo, làm bức tranh sống động hẳn lên".
Đây chính là cách khen mô tả: Hành động cụ thể + Tác động tích cực. Cốt lõi của công thức này là tránh lời khen chung chung, thay vào đó tập trung vào chi tiết mà trẻ làm tốt.
Khi trẻ cảm nhận được sự quan tâm thực sự của cha mẹ, lời khen mới có sức mạnh và ý nghĩa. Công thức này có thể áp dụng trong nhiều tình huống. Như khi con sắp xếp cặp sách, hãy nói: "Hôm nay con tự sắp xếp sách vở ngăn nắp, như vậy ngày mai tìm đồ sẽ dễ dàng hơn". Dần dần, cách khen này giúp trẻ nhận biết hành vi nào là tích cực, đồng thời tập trung vào quá trình thay vì chỉ chú ý kết quả. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp chúng ngày càng xuất sắc.
2. Công thức khen phát triển: Nhấn mạnh nỗ lực + Chỉ ra tiến bộ
Ví dụ, khi con học giỏi toán, đừng nói "Con là thiên tài toán học". Thay vào đó hãy nói: "Mẹ thấy con đã luyện tập tính nhẩm mỗi ngày, giờ làm bài vừa nhanh vừa chính xác, sự kiên trì của con đã được đền đáp". Cách khen này giúp hình thành "tư duy phát triển", khiến trẻ tin rằng năng lực có thể cải thiện qua nỗ lực.
Đồng thời, trẻ sẽ tự tin khám phá và thử nghiệm, nâng cao khả năng tự thúc đẩy bản thân. Ngược lại, nếu dùng từ ngữ như "thông minh" để khen, trẻ dễ hình thành tâm lý: "Mọi người khen mình thông minh, mình không được tỏ ra kém cỏi". Lâu dần, trẻ sẽ che giấu khuyết điểm, khiến cha mẹ chỉ thấy bề nổi. Khi gặp thất bại, trẻ dễ bị tổn thương lòng tự trọng.
Như nghiên cứu của Giáo sư Dweck (Đại học Stanford) chỉ rõ, khen ngợi tài năng bẩm sinh như "Con thông minh quá" khiến trẻ sợ thử thách. Trong khi cách khen nhấn mạnh nỗ lực giúp trẻ hiểu rằng khó khăn chỉ là tạm thời, tiến bộ đến từ cố gắng không ngừng.
3. Công thức khen trao quyền: Ghi nhận phẩm chất + Định hướng tương lai
Ví dụ, khi con đạt điểm cao, thay vì nói "Con giỏi lắm", hãy thử: "Con đã lập kế hoạch ôn tập và thực hiện nghiêm túc, thái độ tự giác này sẽ giúp con tự tin đối mặt mọi thử thách sau này". Công thức này kết nối hành động hiện tại với tiềm năng tương lai, giúp trẻ thấy được giá trị bền vững của những phẩm chất tốt.
Với trẻ biết lắng nghe, có thể khen: "Con biết kiên nhẫn nghe người khác ngay cả khi bất đồng, sự tôn trọng này sẽ giúp con có nhiều bạn bè hơn". Cách khen này giống như "dán nhãn tích cực" của cha mẹ.
Nói cách khác, càng "trao quyền" cho trẻ theo hướng này, trẻ càng phát triển đúng như hình mẫu cha mẹ mong đợi. Không chỉ ghi nhận hiện tại, lời khen còn xây dựng nhận thức tích cực, giúp trẻ khẳng định giá trị bản thân.
Ban đầu, nhiều phụ huynh có thể thấy cách khen này gượng gạo. Nhưng hãy bắt đầu từ những tình huống nhỏ, áp dụng một hai lần mỗi ngày, dần dần sẽ trở thành thói quen giao tiếp tự nhiên.
Bởi lẽ, cha mẹ cần hiểu rằng, lời khen hiệu quả như tấm gương, không nhằm thay đổi trẻ, mà giúp chúng nhìn rõ ưu điểm của mình. Khi trẻ xây dựng được sự tự tin và nhận thức tích cực từ phản hồi của cha mẹ, chúng tự khắc sẽ phát triển thành công.
Như lời một chuyên gia từng nói, nghệ thuật nuôi dạy con là vừa làm ngọn hải đăng dẫn lối, vừa làm tấm gương phản chiếu bản chất. Và những lời khen đúng cách chính là ánh sáng trong gương, sưởi ấm hiện tại và soi đường cho tương lai con trẻ.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)