Thần đồng Đỗ Nhật Nam được coi là niềm tự hào của giới trẻ Việt. Cậu bé đã nhận được học bổng toàn phần từ một đại học danh giá ở Mỹ. Ngoài tố chất tự có, thì yếu tố gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn đến Đỗ Nhất Nam. Chị Phan Hồ Điệp - mẹ Đỗ Nhật Nam được đánh giá rất thành công trong cách giáo dục con.
Mới đây, chị đã chia sẻ với các phụ huynh về điều nên làm khi con thuận tay trái. Bài viết này đã nhận được hàng nghìn lượt quan tâm và chia sẻ của rất nhiều phụ huynh.
Nội dung bài viết như sau: "Mình vừa đọc bài về việc cô giáo đánh do con viết tay trái. Cảm xúc năm xưa ùa về, vì Nam cũng thuận tay trái. Thuận đến nỗi bê vật nặng có khi cũng chỉ dùng tay trái.
Trước tình hình đó, chuẩn bị cho Nam vào lớp 1, mình có viết cho cô bức thư với nội dung "thống thiết" rằng : “Thưa cô, cháu thuận tay trái. Nhưng gia đình mong con vẫn được giữ tay thuận. Nếu con chưa quen viết tay phải, mong cô cho con thời gian để con từ từ luyện tập”.
May là cô giáo Nam cực kì tâm lý, cô vui vẻ đón nhận “một cậu bé tay trái”.
Nói thế để cô và con đều cùng có thời gian chứ mình biết cũng vẫn cần rèn cho con được hoạt động với cả tay không thuận, càng nhiều càng tốt. Vì hầu hết các đồ vật đều được thiết kế/ chế tạo để phù hợp với người thuận tay phải.
Vì thế, trước khi đi học, mình hay chơi với Nam những trò chơi mà luật chơi là: Con chỉ được dùng tay phải còn mẹ chỉ được dùng tay trái. Ví dụ các trò chơi đó là:
1. Bắt/ném bóng.
2. Vẽ những hình dạng có hình tròn (đôi mắt, quả bóng, quả na, quả cam…), khó cực luôn, các bạn thử vẽ bằng tay không thuận của mình mà xem.
3. Di tay trên đường ziczac.
4. Đánh răng, cầm chổi quét nhà.
5. Viết các chữ cái.
6. Nhặt rau, tay phải cầm rau, tay trái ngắt cuống (với Nam).
7. Làm bánh, trong đó lúc ngoáy bột, lật bánh trên chảo… thì đều phải dùng tay không thuận.
8. Viết chữ gương (nghĩa là các loại chữ phải soi lên gương mới đọc đúng), các bạn thuận tay trái thường rất giỏi việc này vì thế chơi trò này khiến các bạn có cảm giác chiến thắng.
Nói chung bất kể điều gì mà có thể sử dụng tay không thuận hoặc có thể sử dụng hai tay như nhau (ví dụ như trò tung hứng)…
Bài viết của chị Phan Hồ Điệp đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều
các ông bố, bà mẹ khác.
Ngoài ra mình hướng dẫn Nam cách cầm bút bằng tay phải. Điều này rất khó vì thông thường các bạn tay trái khi cầm sang tay phải thường nắm rất chặt. Mình hay hướng dẫn con: Con thở ra, từ từ buông lỏng bút, giữ bút có thể viết được mà không bị rơi. Dạy con cách để giấy chếch đi khoảng 30 độ chứ không để thẳng sẽ khó sử dụng tay phải.
Chỉ thế thôi.
Đến khi Nam vào học, những ngày đầu cũng là thảm họa. Chữ xấu, vở nhòe nhoẹt. Mỗi lần đi học về, mẹ toàn phải rón rén lấy vở ra khi con không có ở đó, sợ làm con “tổn thương”.
Nhưng rồi Nam tự nhận thấy viết bằng tay trái là bất tiện vì viết xong lại đè lên chữ vừa viết rồi còn hay huých vào tay bạn bên cạnh nên tự động chuyển sang tay phải. Nhờ liên tục được tập luyện nên cũng không mấy khó khăn.
Giờ thì Nam có thể viết bằng hai tay, tất nhiên tay trái vẫn được sử dụng nhiều hơn.
Mình biết ơn cô giáo lớp 1 của Nam vô cùng. Chính cô đã kiên nhẫn để đợi Nam có thời gian tập luyện mà không ép uổng. Mỗi lần nghĩ lại lại thấy thương ơi là thương cái năm lớp 1 nhiều “sóng gió”.
Cô đúng là đã áp dụng nguyên tắc: “Hãy để thời gian có thì giờ”.
Đối với mình, người thầy cô tốt nhất là người chấp nhận những điều không hoàn hảo của trẻ, đồng hành để cho trẻ tốt hơn chính nó, ngày hôm qua, ngày hôm kia bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn và hiểu biết. Còn bạn thì sao?"
A.N (Theo Nld.com.vn)