Cha mẹ nên phản ứng thế nào nếu con nói rằng vừa rồi chúng làm bài thi không tốt? Với cha mẹ thông thường sẽ quát mắt, cho rằng con không cố gắng, cẩu thả... Sự bực dọc của cha mẹ vô tình trút hết lên đầu con mà không biết cách hành xử này là sai lầm.
Chuyên gia khuyên khi trẻ không làm tốt bài kiểm tra, cha mẹ không nên cố gắng khơi dậy sự chú ý của trẻ đối với điểm số thông qua sự tức giận của bản thân.
Đừng thể hiện sự thất vọng và buồn bã bằng những lời mỉa mai, châm biếm, đánh đập và mắng mỏ. Mọi đứa trẻ đều khao khát trở nên xuất sắc trong các kỳ thi. Khi điểm số của trẻ không tốt đồng nghĩa với việc trẻ gặp vấn đề trong học tập, lúc này điều trẻ cần nhất chính là sự quan tâm, giúp đỡ của cha mẹ.
Cha mẹ thông thái phải nói với con rằng: Chúng ta tạm thời gặp khó khăn trong học tập, đừng nản lòng, vấn đề có thể giải quyết được, và cha mẹ sẵn sàng giúp con vượt qua khó khăn.
Đôi khi đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả lại trì trệ, trẻ dễ nghi ngờ năng lực học tập của bản thân, từ đó lung lay niềm tin, không muốn xông xáo. Cha mẹ phải nói với con cái rằng việc học không phải lúc nào cũng đi lên theo đường thẳng, và đôi khi gặp phải những nút thắt là điều bình thường.
Ngoài ra, không chỉ động viên, cha mẹ phải tìm ra nguyên nhân và giúp con khắc phục:
Con gặp khó khăn trong học tập
Nên nhớ mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong các lĩnh vực khác nhau. Nếu môn toán của con chưa tốt, hãy tìm ra phương pháp dễ hiểu hơn để giảng giải, giúp trẻ trau dồi một số kỹ năng. Điều này giúp ích rất nhiều cho con cái sau này khi lớn lên.
Thái độ học tập chưa tốt
Cha mẹ cần trò chuyện giúp con hiểu ý nghĩa của việc học tập từ đó có tư tưởng, thái độ học tập đúng đắn. Xác lập mục tiêu, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với tình hình thực tế của trẻ. Đừng nôn nóng bắt trẻ thay đổi ngày một ngày hai. Hãy kiên nhẫn đi từng bước.
Phương pháp học có vấn đề
Cha mẹ nên chủ động trao đổi với giáo viên, tích cực lắng nghe những đề xuất mà giáo viên đưa ra dựa trên tình hình thực tế của con để giúp con thay đổi.
Vấn đề nằm ở cha mẹ
Nhiều cha mẹ cho rằng con cái là vấn đề của mình nhưng đôi khi ngược lại. Như cha mẹ không quan tâm đúng mức đến con cái, không khí gia đình không hòa thuận, cha mẹ quá áp đặt việc học của con cái, hoặc phương pháp giáo dục không phù hợp, khiến trẻ nổi loạn, chán học... Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ hơn về giáo dục gia đình kết hợp với tình hình thực tế của con để không ngừng điều chỉnh hành vi giáo dục. Cha mẹ cố gắng cải thiện, con cái cũng có thể tiến bộ mỗi ngày.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)