Đứa trẻ ngồi trên sofa, tay cầm điện thoại, mắt dán chặt vào màn hình. Bạn đứng bên cạnh, nhìn thấy vẻ say mê của con mà lòng đầy bực bội. Khi nghe câu nói quen thuộc này, bạn bật thốt: "Lại chơi nữa? Con không có quy tắc gì sao?"
Có lẽ bạn không nhận ra, câu "thêm 10 phút nữa" này thực chất là trẻ đang cố gắng làm một việc cực kỳ quan trọng - đang "thương lượng" với bạn. Và cách chúng ta phản hồi với yêu cầu tưởng chừng nhỏ nhặt này sẽ định hình nên những cuộc đời khác nhau của trẻ.
1. "Mẹ ơi, con chơi thêm 10 phút nữa nhé?"
Khi nghe trẻ nói muốn chơi thêm 10 phút, chúng ta thường nghĩ chúng đang "lười biếng, lì lợm, câu giờ". Nhưng thực tế, điều chúng thực sự muốn có thể là: Một chút kiểm soát: "Con không phải chỉ tuân lệnh mà có thể thương lượng"; Cảm giác được tôn trọng: "Mẹ nghe thấy yêu cầu của con"; Bài học quản lý thời gian: "Con có thể tự kiểm soát thời gian kết thúc không?".
Một câu nói tưởng như trì hoãn đơn thuần này thực chất là nỗ lực đầu tiên của trẻ trong việc "lựa chọn" và "kiểm soát".
Chúng ta thường đánh giá thấp ý nghĩa tâm lý đằng sau câu nói này. Trong khi phàn nàn con "thiếu ý thức thời gian, vô kỷ luật", chúng ta lại dùng cách phản ứng thô bạo nhất để cắt ngắn mọi cơ hội hình thành ý thức thời gian của trẻ.
2. 2 cách trả lời khác nhau, 2 cuộc đời khác nhau
"Không được là không được! Tắt ngay!"
Phản ứng này là "bản năng" của đa số phụ huynh. Giọng cao, ngữ khí cứng rắn, thái độ kiên quyết. Chúng ta tưởng mình đang "thiết lập quy tắc", nhưng với trẻ, chúng nghe thấy: "Điều con nói không quan trọng"; "Con không có quyền thương lượng"; "Chỉ cần người lớn không vui, con không có tiếng nói".
Lúc này, trẻ thường có 3 phản ứng: Chống đối: "Con không chịu đâu!" - và bắt đầu chống lại bạn; Vâng lời bề ngoài: Bề ngoài nghe lời nhưng trong lòng phản kháng; Giả vờ nghe lời: Khi bạn quay đi, chúng lại lén mở điện thoại...
Bề ngoài tưởng bạn thắng, nhưng thực chất bạn đã đánh mất sự tin tưởng của trẻ và cơ hội tự quản lý bản thân. Về lâu dài, trẻ không trở nên tự giác hơn mà chỉ giỏi "lén lút" hơn.
"10 phút nữa à? Được, con tự kiểm soát nhé!"
Câu trả lời này ôn hòa nhưng mạnh mẽ. Không phải đồng ý ngay cũng không phủ định thẳng, mà trao lại quyền lựa chọn cho trẻ. Bạn có thể tiếp tục: "Vậy chúng ta thống nhất, 10 phút nữa con tự tắt, mẹ sẽ nhắc con một lần nhé?" Hoặc: "Con xem mấy giờ rồi? 10 phút nữa là mấy giờ? Cần mẹ nhắc giờ không?".
Tại sao cách trả lời này quan trọng? Vì nó làm được 3 điều: Lắng nghe biểu đạt của trẻ: Bạn không phủ định mà nói "Mẹ nghe thấy con, mẹ tôn trọng mong muốn của con"; Cho trẻ cơ hội cam kết: Bạn không ra lệnh mà mời trẻ lựa chọn và chịu trách nhiệm; Rèn luyện "thỏa mãn trì hoãn" và ý thức thời gian: Nếu trẻ làm được sau 10 phút, chúng có cảm giác thành tựu; nếu không, đây là cơ hội dạy trẻ tầm quan trọng của "giữ lời hứa".
Cha mẹ hãy nhớ, 10 phút này chính là sân tập để trẻ trưởng thành. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên sẽ có khả năng tự chủ tốt hơn, biết chịu trách nhiệm với thời gian của mình hơn.
3. Quan niệm thời gian của trẻ được hình thành từ sự "được chấp nhận"
Nhiều phụ huynh phàn nàn: "Con tôi hoàn toàn không có ý thức thời gian, lúc nào cũng chậm chạp, trì hoãn, không giữ lời." Nhưng nếu nhìn lại thì hãy xem: Chúng ta đã bao giờ cho trẻ cơ hội "tự kiểm soát thời gian"; Chúng ta có cho phép trẻ tập "tự quyết định khi nào kết thúc"?; Chúng ta có kiên nhẫn cùng trẻ "thất bại từng chút" rồi lại tổng kết?
Thực tế, cảm nhận thời gian của trẻ không hình thành trong một ngày, mà đến từ những gợi ý trong mỗi lần chúng ta phản hồi. Khi chúng ta sẵn sàng "đợi 10 phút", không phải nuông chiều mà đang nói với trẻ: "Mẹ tin con làm được.".
Như vậy, đứa trẻ được tin tưởng sẽ càng nỗ lực để xứng đáng.
4. Trong cuộc sống, cha mẹ có thể làm thế này
Khi trẻ "thương lượng" với chúng ta, hãy phản hồi theo cách sau:
Bước 1: Giữ bình tĩnh, dùng ngữ khí trung tính: Đừng vội nói "không", cũng đừng lập tức đồng ý. Hãy dùng câu trung tính như: "Ồ, con muốn chơi thêm 10 phút nữa à?". Thông điệp này truyền đạt: "Mẹ không phải kẻ thù, mẹ sẵn sàng lắng nghe con."
Bước 2: Mời trẻ lựa chọn, xác định ranh giới: Ví dụ: "Con tự xem giờ nhé, bây giờ là mấy giờ?"; "Mẹ sẽ nhắc con trước 1 phút nhé?". Điểm mấu chốt là để trẻ tham gia vào quá trình quyết định, không phải chỉ nghe lệnh. Như vậy trẻ mới sẵn sàng chịu trách nhiệm với kết quả.
Bước 3: Tổng kết sau sự việc, củng cố kinh nghiệm: Dù trẻ có làm được hay không, chúng ta đều có thể cùng nhìn lại: "Con đã hứa 10 phút và đã giữ lời, mẹ rất vui."; Hoặc: "Con đã chơi quá vài phút, lần sau chúng ta thử cách khác nhé? Con nghĩ cách nào tốt hơn?". Đây mới là bước then chốt xây dựng khả năng tự kiểm soát.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)