Trong thời đại công nghệ và trí tuệ nhân tạo ngày nay, việc hoàn toàn ngăn con tiếp xúc với điện thoại là điều gần như không thể. Tuy nhiên, việc trẻ thích chơi điện thoại chỉ là biểu hiện bên ngoài. Nguyên nhân sâu xa hơn có thể xuất phát từ những nhu cầu tâm lý chưa được đáp ứng.
Theo các nghiên cứu tâm lý, 99% các trường hợp nghiện điện thoại ở trẻ em đều bắt nguồn từ ba “công tắc gây nghiện” mà cha mẹ thường không để ý.
Việc trẻ thích chơi điện thoại chỉ là biểu hiện bên ngoài
3 sự thật “đau lòng” về việc trẻ nghiện điện thoại
Điện thoại giống như “kẹo ngọt điện tử”, khiến não bộ trẻ không thể dừng lại
Trò chơi điện tử và video ngắn luôn chứa những phần thưởng bất ngờ: tiếng “đinh đoong” khi thắng, hoặc một video hài bất ngờ tiếp theo. Những yếu tố này khiến não bộ trẻ liên tục tiết ra dopamine – chất gây hưng phấn và hạnh phúc. Đây là cái bẫy “niềm vui tức thì” mà cả người lớn cũng khó thoát, huống chi là trẻ em.
Khi đã quen với việc tìm niềm vui nhanh chóng từ điện thoại, trẻ sẽ cảm thấy những hoạt động cần kiên trì như học bài hay chơi đàn trở nên nhàm chán.
Trẻ là “camera sống” của cha mẹ
Tâm lý học gọi đây là học qua quan sát – trẻ học hành vi của người lớn thông qua việc bắt chước. Nếu cha mẹ vừa mắng con “đừng chơi điện thoại” vừa nằm lướt TikTok, trẻ sẽ cảm thấy quy tắc chỉ áp dụng cho mình và dễ nảy sinh tâm lý chống đối.
Hành động của cha mẹ có tác động mạnh hơn hàng nghìn lời khuyên suông.
Điện thoại là “nơi trú ẩn” của trẻ
Một người mẹ chia sẻ con gái lớp 5 của mình thường lén chơi điện thoại. Sau một lần tình cờ nghe con khóc, chị mới biết con bị bạn bè cô lập ở trường. Không dám chia sẻ với bố mẹ, bé tìm đến game để được nói chuyện với bạn trong game.
Trẻ không nghiện điện thoại vì “thích chơi”, mà vì “cần một nơi để trốn tránh nỗi buồn”: cảm giác thất bại khi bị chê bai, áp lực học hành, thiếu sự đồng hành từ cha mẹ.
Làm sao để trẻ không nghiện mà vẫn sử dụng điện thoại hợp lý?
Thay vì la mắng hoặc giật điện thoại, cha mẹ có thể thử áp dụng 3 bước sau:
Bước 1: “Bổ sung dinh dưỡng tâm lý” - khiến cuộc sống thực ngọt ngào hơn điện thoại
Nếu con thiếu tự tin, hãy khen cụ thể mỗi ngày:
“Hôm nay con nhặt bút cho bạn, con thật tốt bụng, còn hơn cả anh hùng trong game!”
Nếu con thiếu sự đồng hành, hãy dành vài tiếng cuối tuần để chơi cùng – kể cả việc cùng chơi game. Quan trọng là trẻ cảm thấy mình được quan tâm và yêu thương.
Bước 2: Thiết lập “giờ tắt mạng” trong gia đình - biến điện thoại thành công cụ
Cha mẹ cần là người gương mẫu đầu tiên. Sau khi về nhà, để điện thoại ở chỗ cố định, hạn chế sử dụng.
Cha mẹ cần làm gương cho con noi theo, thay vì dùng điện thoại hãy cùng con đọc sách
Cùng con thiết lập “quy ước sử dụng điện thoại”:
- Không dùng điện thoại khi ăn cơm.
- Làm xong bài tập mới được dùng.
- Mỗi tuần chọn một ngày không dùng thiết bị – đi công viên, nhà sách, chơi lắp ráp…
Trẻ sẽ dần nhận ra: có những niềm vui còn thú vị hơn cả điện thoại.
Bước 3: “Gỡ gói quà” điện thoại – giúp trẻ học cách tận hưởng niềm vui chậm rãi
Khi con đòi chơi game, đừng cấm đoán ngay. Hãy thương lượng:
“Con chơi 20 phút, nhưng sau đó phải làm 3 việc: nhìn cây ngoài cửa sổ, uống nước, kể cho mẹ nghe về game.”
Những hành động này giúp gián đoạn vòng lặp dopamine, khiến con không bị cuốn sâu vào game.
Ngoài ra, hãy đổi vai trò:
“Nếu con học bài chăm chỉ 30 phút, mẹ sẽ chơi game 10 phút với con, nhưng con là thầy giáo nhé!”
Cảm giác “được dạy mẹ chơi game” khiến trẻ cảm thấy tự hào, từ đó chủ động hơn trong học tập.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)