Không chỉ là một MC truyền hình nổi tiếng, Minh Trang còn là một hot mom được nhiều người yêu mến trên mạng xã hội. MC Minh Trang thường xuyên chia sẻ về cách nuôi dạy, chăm sóc các con.
Mới đây, MC Minh Trang bàn luận về việc nhiều người lớn có những hành động, lời nói kém duyên với trẻ con nhưng lại nghĩ đó là điều hài hước, vui tính.
MC Minh Trang viết: "Có một sự thật là rất nhiều người lớn, khi trò chuyện, tương tác với trẻ con, họ cứ nghĩ là mình vui tính, hài hước, quan tâm tới trẻ, nhưng thực sự họ rất chi là kém duyên.
Tuần vừa rồi có bác hàng xóm đến chơi, thấy Daisy Bánh Mì Bơ Ruốc đang chơi với mấy con chó con, bác ấy vừa cười vừa bảo: "Chờ hôm nào cả nhà về Hà Nội, bác sang bác bắt hết cho đi thịt hết". Mặc cho các bạn nhỏ cứ ra sức nói lại, giải thích kiểu gì, bác ấy vẫn khăng khăng. Tới mức mấy bạn ấy khóc nấc lên, vừa sợ vừa bực…
MC Minh Trang khó hiểu khi hàng xóm trêu đùa, dọa thịt hết những chú chó mà con của nữ MC yêu mến.
Mình thực sự không hiểu, có gì hay ho ở việc trêu cho trẻ con sợ chết khiếp lên, oà khóc nức nở, hoặc ngơ ngác vì chẳng hiểu nổi dụ ý sâu xa của họ trong những câu đùa vừa kém duyên vừa chẳng văn minh tẹo nào. Rồi đến lúc trẻ tỏ thái độ thì lại lớn tiếng quát là hư, hỗn, láo, ghê gớm… Ơ hay nhỉ, không tôn trọng người khác mà lại mong mình được tôn trọng sao? Mấy người lớn ấy khó hiểu thực sự!
Một vài trường hợp mà mình hay gặp thuộc các thể loại sau:
- Trẻ đang cầm món đồ gì đó của trẻ, xong người lớn tự dưng đòi xin bằng được. Kiểu: "Bơ ơi, cho bác xin cái kẹo/con búp bê… này đi". Ơ hay nhỉ? Bạn mới mua cái iphone mới ra, tiết kiệm cả năm trời, xong có người xin bạn có cho không? Đối với trẻ con mà nói, con gấu bông yêu thích hay cái kẹo mút mãi mới xin được bố mẹ cho ấy mà, còn quý hơn vàng. Tự dưng ở đâu ra xin, trẻ không cho lại bĩu môi kêu nó ki bo, thần giữ của các kiểu. Một phiên bản khác giật đồ trên tay trẻ rồi bắt trẻ lạy lục xin lại bằng được. Khó hiểu thực sự!
- Chả thân chả quen quen, tuần gặp trẻ chưa được 1 lần, mà nhìn thấy mặt từ xa đã véo von "Bánh Mì chào bác chưa nhỉ?". Trẻ con nó còn đang mắt tròn mắt dẹt chưa nhớ nổi ai với ai, khẽ nhíu mày suy nghĩ hoặc bẽn lẽn nép vào sau bố mẹ thì người lớn kia tuôn luôn 1 tràng "Ơ không chào bác à, 6 tuổi mà chưa biết chào à, ở nhà không ai dạy chào à…" bờ la và bờ la. Sao bác không chủ động chào trẻ trước để tạo thiện cảm, gần gũi? Cũng là phép lịch sự đấy chứ, ai nhớ ra/cảm thấy quen người còn lại thì chào trước, có sao đâu. Trẻ con có nhiều bạn nhút nhát, không hoạt ngôn hoặc không hồ hởi nói cười, nhất là với người không thật sự thân thiết, điều đó không đồng nghĩa với việc các bạn ấy là hư, là hỗn láo đâu ấy… Sao có thể tuỳ tiện "dán nhãn" người khác chỉ vì một câu chào?
- Hỏi hoặc đùa những nội dung nhạy cảm, hoặc những nội dung 100% trẻ chả hiểu gì, hoặc xui trẻ đi nói những câu nó cũng chẳng biết nghĩa là làm sao. Ví dụ phổ biến nhất là liên quan đến các vấn đề riêng tư của bố, mẹ, gia đình của trẻ, hoặc xui trẻ hôn môi bạn nọ bạn kia, hoặc dạy trẻ mấy câu nói tục. Lúc trẻ ngây thơ làm theo thì đám người lớn hô hố nói cười, vui vẻ đắc chí lắm.
- Người lớn rất hạn chế chê bai cơ thể của nhau, nhưng lại chả ngần ngại nhận xét/chê bai cơ thể của trẻ nhỏ. "Ôi béo thế, ôi gầy thế, tóc này xí thế, nhìn buồn cười thế"… Cứ tưởng là đùa vui nhưng trẻ con sẽ tin 100% là thật và rồi sẽ âm thầm mặc cảm về bản thân suốt những ngày tiếp theo… Hay những câu khen ngợi tưởng là vô thưởng vô phạt kiểu "Ôi cháu xinh thế, lớn lên thành hoa hậu, tha hồ nhiều anh theo nhé/bố mẹ tuyển rể mỏi tay nhé!/sau này yên tâm lấy đại gia nhé!". Có thể bạn sẽ thấy những câu thế này có gì mà phải nghĩ, khen mà? Nhưng cá nhân mình cho đây là một câu khen ngợi kém văn minh. Nó sẽ vô tình khiến trẻ lầm tưởng về ngoại hình của mình, cũng như mục tiêu cuộc sống, hoá ra chỉ là để làm người mẫu/hoa hậu, hoặc “nhiều anh theo/lấy đại gia” thôi hay sao?
- Đùa quá trớn: doạ ma đến nỗi trẻ sợ tím tái mặt mày, khóc thét lên, hoặc ám ảnh mái sau này; hay cù léc quá đà đến nỗi trẻ đau quặn, cười không nổi mà chỉ khóc không thành tiếng… Doạ cho trẻ khóc được có vẻ là 1 chiến tích lớn lắm, nên đám người lớn lại càng cười to đắc chí.
- Vô tư vạch quần bé trai để "xem chim", sờ chim, thậm chí lấy ngón tay búng bung chim của trẻ, cái này có vẻ khá phổ biến ở các vùng nông thôn nơi mà quan niệm trọng nam khinh nữ, phải có cháu đít tôn nối dõi tông đường...vẫn còn rất nặng nề. Ngoài ra là những người lớn chẳng suy nghĩ gì cứ nói thẳng vào mặt bé gái những nội dung kiểu như con gái đẻ lắm chả có tích sự gì, lớn lên lại tót đi lấy chồng, hoặc bố mẹ chả nhờ vả được gì đâu, phải phấn đấu đẻ lấy đứa con trai... Thử tưởng tượng xem, trẻ nhỏ sẽ lớn lên ra sao với suy nghĩ rằng mình vô dụng, mình bỏ đi, mình chẳng có chút ý nghĩa hay giá trị gì trong mắt cha mẹ, gia đình?
- Một cách hành xử kém duyên nữa và để lại những hậu quả có thật, vô cùng thương tâm, đó là câu nói "Mẹ sắp có em bé rồi, cháu chuẩn bị ra rìa thôi!". Thay vì trò chuyện với trẻ về sự háo hức và vui sướng khi gia đình chuẩn bị có thành viên mới, những câu nói như thế này sẽ khiến trẻ bị ám ảnh và suy nghĩ rất nhiều. Người lớn chỉ nói một câu đùa cho vui miệng, nhưng tâm hồn non nớt của trẻ làm sao có thể phân biệt được đâu là thật, là đùa? Đã có không biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm chị ném em qua cửa sổ, bịt gối lên mặt em đến mức tử vong vì ngạt thở... vì vì suy nghĩ ám ảnh trong đầu trẻ về việc bị ra rìa!
Túm lại là, nếu bạn không có kinh nghiệm nói chuyện hay tương tác với trẻ, tốt nhất là nên hỏi thăm vui vẻ những câu hỏi thông thường, không động chạm đến quyền riêng tư hay thông tin cá nhân của trẻ, hoặc an toàn nhất là chẳng cần nói gì, chỉ cần cười tươi thôi. Trẻ nhỏ không phải là đối tượng để mang ra trêu đùa bỡn cợt, và không xứng đáng bị như thế... Giao tiếp với trẻ nhỏ, cũng cần phải học hỏi, phải để ý, phải tinh tế, phải văn minh ấy...".
MC Minh Trang cho rằng người lớn cũng cần giao tiếp văn minh, lịch sử với trẻ nhỏ thay vì trêu đùa, dọa nạt.
Bên cạnh đó, MC Minh Trang cũng cho biết về cách xử lý của mình với những trường hợp kém duyên với con: "Nếu mình có mặt tại đó: mình chọn cách trò chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ, không công kích hay bực bội, nói thẳng vào vấn đề để họ hiểu cảm nhận của các bạn nhỏ, và để họ thấy rằng cách trò chuyện của họ là không phù hợp. Như trường hợp bác hàng xóm doạ thịt mấy con chó con, mình nói "Bác không nên đùa các cháu như thế ạ. Các bạn ấy tưởng thật và đang khóc vì vừa buồn vừa sợ. Trẻ con như tờ giấy trắng, nói gì các bạn ấy tin thế, chưa phân biệt được đâu là đùa, đâu là thật. Bác cứ nói vậy, các bạn ấy sẽ sợ và ghét bác đấy ạ". Và mình cũng quay sang nói với các con: "Bác chỉ đùa thôi, mẹ có góp ý với bác rồi, lần sau bác sẽ không đùa như thế nữa."
- Nếu không có mặt mình tại đó, hoặc mình có cơ hội nói chuyện riêng với các bạn nhỏ sau khi sự việc diễn ra, mình sẽ hỏi thêm suy nghĩ của các bạn lúc ấy, phân tích cho các bạn hiểu đó là lời đùa, sự khác nhau giữa "đùa vui" và "đùa ác ý" khiến người khác khó chịu, bực bội. Kết hợp dạy cho các bạn ấy là chính con cũng trải nghiệm rồi, con cũng thấy khó chịu thế nào rồi, nên mình sẽ không đùa người khác như thế.
Thực ra để nói lại hay tranh cãi với những người lớn kém duyên và hy vọng sau lần đó họ hiểu ra ngay, thay đổi luôn thì cũng khó, nên cứ nhẹ nhàng, bình tĩnh trao đổi/góp ý, miễn là không im lặng cho qua, hoặc làm căng quá để ảnh hưởng đến quan hệ của người lớn là được ạ. Nhiều khi họ đùa ác ý nhưng không cố tình, chỉ là chưa ai nói cho họ rằng việc đó không nên thôi ạ".
Bài viết của MC Minh Trang nhận được sự đồng tình của nhiều bố mẹ: "Chuẩn em ạ. Không chỉ ở quê đâu, ở Hà Nội cũng vẫn có một số người như vậy đó. Trông "có vẻ" có tri thức nhưng cư xử với với các con nhỏ rất vô duyên và thiếu ý thức", "Mình còn thực sự ghét những người khồng hề hiểu con mình, không thường xuyên tiếp xúc với con mình mà luôn kiểu áp đặt con mình phải thế này, thế kia", "Cảm ơn bài viết rất sâu sắc, xác đáng của chị ạ", "Vừa tối qua thấy hàng xóm đứng trêu đứa trẻ con: bố mày đi theo gái rồi và mẹ chúng cũng hùa theo. Bọn trẻ ngơ ngác chưa hiểu gì khi nó vừa chỉ tạm biệt bố 1 phút trước. Chán không buồn nói"...
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)