Trước khi đi mẫu giáo, con tôi ăn mọi thứ mẹ nấu một cách ngon miệng và dễ dàng. Nhưng giờ, khi đã là học viên nhí của lớp mầm, thói quen ăn uống của con thay đổi một cách kỳ lạ. Có ngày con ăn rất nhiều nhưng cũng có những ngày con hầu như chẳng ăn chút nào. Là một người nghiên cứu về tâm sinh lý và dinh dưỡng cho trẻ em, tôi hiểu đó là vấn đề bình thường. Nhưng trên cương vị một bà mẹ bình dân, chắc chắn tôi sẽ lo quýnh và tự hỏi, liệu con có vấn đề gì không.
Tôi biết có rất nhiều sai lầm khi chế biến và cho trẻ ăn uống phải đến 9/10 mẹ mắc.
1. Coi việc trẻ kén ăn là vấn đề
Khi trẻ thay đổi thói quen ăn uống, nhiều bậc cha mẹ hẳn nhiên sẽ lo lắng và cố tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Sự thật, đến một độ tuổi nhất định (từ 2 tuổi trở lên) quá trình tăng trưởng của trẻ sẽ chậm lại, làm giảm cảm giác thèm ăn. Kén ăn có thể là một đặc điểm thích nghi bảo vệ những đứa trẻ linh hoạt khỏi việc tiêu thụ những chất độc hại. Đặc biệt, các mẹ nên biết rằng nỗi sợ ăn những món mới lên tới đỉnh điểm khi trẻ 2-6 tuổi, sau đó giảm dần.
Nay trẻ ăn nhiều, mai trẻ ăn ít, đó là chuyện hoàn toàn bình thường (Ảnh minh họa).
2. Kiểm soát việc ăn của con
9/10 mẹ mắc sai lầm khi cho trẻ ăn nếu không phải là cho trẻ được kiểm soát các lựa chọn về món ăn quá nhiều thì sẽ là cố gắng kiểm soát chặt việc ăn của trẻ.
Nếu bạn thử phân chia trách nhiệm về việc ăn uống của trẻ: cha mẹ quyết định ăn gì, khi nào và ở đâu, còn trẻ quyết định có ăn hay không và ăn nhiều hay ít… thì chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết ‘nhẹ như lông hồng’. Điều này sẽ làm giảm bớt các trận chiến về việc ăn uống giữa mẹ và con, đồng thời giúp trẻ ăn tốt hơn vì không phải chịu áp lực.
3. Cố ép trẻ ăn sạch đồ trên đĩa
“Còn một miếng nữa, con ăn cố đi” là câu nói không xa lạ với nhiều bà mẹ. Điệp khúc mẹ ép ăn, con lắc đầu; con lắc đầu, mẹ lại ép ăn… cứ luẩn quẩn loanh quanh và là thực tế diễn ra trong không ít gia đình. Hỏi làm sao có thể không tức giận khi mẹ hì hục nấu nướng, những mong con sẽ ăn sạch trơn đĩa thức ăn – khẩu phần mẹ đã cân đong cẩn thận với đầy đủ dinh dưỡng hợp lý, nhưng ăn được đôi ba miếng con đã buông đũa, lắc đầu.
Đừng làm thế nếu không 'cuộc chiến' về việc ăn uống của con sẽ luôn căng thẳng đấy! Hãy tôn trọng nhu cầu ăn uống của trẻ. Đừng cố ép con ăn sạch đĩa thức ăn khi chúng đã no và muốn dừng lại.
4. Chuẩn bị suất ăn cho trẻ không khác gì người lớn
Trẻ cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, khác rất nhiều so với người trưởng thành. Nhưng nhiều mẹ lại chuẩn bị suất ăn cho trẻ không khác gì người lớn. Việc nhìn thấy một bát thức ăn với quá nhiều những thứ ‘thập cẩm’ sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý, gây chán ăn ở trẻ. Trẻ con “ăn bằng mắt”, vì thế, hãy thiết kế đĩa thức ăn của chúng thật khoa học và đẹp.
5. Khen ngợi quá đà hoặc dùng phần thưởng 'mua chuộc' con
Có tới 85% các bậc cha mẹ dùng lời khen, lý lẽ và phần thưởng để con ăn nhiều hơn. Vấn đề là điều này sẽ khiến con bỏ qua cảm giác đói, cảm giác no, chán chường và ăn hết món ăn. Thay vì mua chuộc, hãy lắng nghe dạ dày của con. Nếu con ăn quá ít, hãy nhắc con về thời gian ăn bữa tới và đảm bảo rằng con ăn đủ. Đừng mong đợi rằng bữa nào con cũng ăn một lượng như nhau.
khampha.vn