Nguyên nhân gây stress trước kỳ thi đại học
Áp lực bên ngoài
Trong hầu hết các kỳ thi, đặc biệt kỳ thi Đại học thì điểm số có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con em mình. Cho dù ngày nay gia đình, thầy cô, xã hội đều coi rằng kết quả cuối cùng, kỹ năng sống mới là quan trọng chứ không phải điểm số. Nhưng nó vẫn luôn là áp lực vô hình đè nặng lên bất kỳ một học sinh nào.
Tự gây áp lực
Kỳ thi Đại học được được coi là “bài thi cuộc đời” và nó hằn sâu vào tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh. Nhưng đối với học sinh thì các em phải chịu gánh nặng tâm lý lớn hơn bất kỳ ai.
Các em luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, run rẩy khi trước mắt phải đối mặt với bài thi, áp lực nặng nề. Kiến thức có thể đã học nhưng áp lực tâm lý trước khi thi mới là điều kinh khủng nhất. Nhiều học sinh dự thi Đại học đã ngất khi vào làm bài trong phòng thi cũng bởi tâm lý như vậy.
Triệu trứng của việc stress trước kỳ thi Đại học
Không tập trung
Học sinh trong giai đoạn này luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần ảnh hưởng không nhỏ đến sự tập trung.
Mất trí nhớ
Trong thời gian này rất nhiều học sinh gặp phải sự hỗn loạn, lo lắng quá mức dẫn trí não bị ảnh hưởng, mất trí nhớ tạm thời.
Mệt mỏi theo giai đoạn
Thời gian học dày đặc và cường độ cao khiến học sinh luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, uể oải.
Phương pháp giảm bớt stress cho trẻ trong kỳ thi Đại học
1. Giải trí đúng lúc
Cha mẹ nên khuyên con em mình cần phải giải trí. Không nên gò ép mình quá trong một khuôn khổ chỉ học và học. Như vậy, rất dễ dẫn đến áp lực và căng thẳng. Những lúc này, cha mẹ nên khuyên con mình hãy nghe nhạc, những bản nhạc tươi sáng, sôi động, truyền năng lượng để cảm thấy yêu đời hơn, hoặc là chơi thể thao, tập thể dục, xem một bộ phim hài, mua một cuốn truyện, đi cafe cùng bạn bè... Sau khi đầu óc được nghỉ ngơi thì sẽ hoạt động hiệu quả và suy nghĩ tích cực hơn.
2. Luôn ở bên cạnh con mình
Nhiều học sinh không muốn nói về những vấn đề của mình. Tuy nhiên, cha mẹ cần thể hiện rằng họ luôn ở bên cạnh và luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ. Kể cả khi hoàn toàn không muốn nói ra song ai cũng thường không muốn cảm giác bị bỏ rơi. Các bậc phụ huynh có thể đưa con mình đi chơi, ăn uống, vui đùa để chúng quên đi những căng thẳng gặp phải.
3. Có chế độ dinh dưỡng phù hợp
Cha mẹ nên chuẩn bị chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng phù hợp với con ở giai đoạn này. Khi tinh thần ở trạng thái căng thẳng, vitamin C trong cơ thể sẽ giảm nhanh chóng. Vào thời điểm này, cần phải bổ sung thêm trái cây và rau quả tươi như cam, kiwi, rau bina và cà rốt. Tất nhiên, sữa, protein, thịt, cá, các loại hạt và các sản phẩm từ đậu nành đều rất cần thiết.
4. Trao đổi và chia sẻ
Khuyến khích con bạn trò chuyện nhiều hơn với bạn bè hoặc những người đáng tin cậy, học cách nói chuyện, không nên giữ trong lòng, có thể giao tiếp và chia sẻ với những người cao niên có kinh nghiệm.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)