Có trẻ thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu chán học nghiêm trọng, đến mức cần sự can thiệp của chuyên gia tâm lý.
“Hiệu ứng chuột đói” - Bài học từ một thí nghiệm tâm lý
Một thí nghiệm nổi tiếng đã nghiên cứu hai nhóm chuột con mới cai sữa. Nhóm một được cung cấp thức ăn dư thừa, nhóm hai chỉ nhận 60% khẩu phần. Kết quả khiến nhiều người ngạc nhiên: nhóm chuột được cho ăn đầy đủ lại sống không quá 1.000 ngày, còn nhóm bị “bỏ đói nhẹ” sống tới hơn 2.000 ngày, năng động và khoẻ mạnh.
Phát triển hiệu ứng chuột đói khi dạy con sẽ giúp trẻ có động lực học tập hơn
Thí nghiệm cho thấy: một môi trường sống quá đầy đủ có thể làm mất đi khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề và đối mặt với thử thách – điều này hoàn toàn đúng với cách trẻ em được nuôi dạy ngày nay.
Khi cha mẹ "cho quá nhiều" - trẻ mất khả năng tự lập và ý chí vươn lên
Hiện nay, nhiều cha mẹ luôn cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của con từ ăn uống, học hành đến tâm lý. Họ không nỡ để con thiệt thòi, vất vả dù chỉ một chút. Nhưng sự chăm sóc quá mức này lại dễ tạo ra những hệ quả tiêu cực:
Khả năng tự lập kém: Nhiều thiếu niên không biết tự ăn cơm, không làm được việc nhà, sống phụ thuộc vào cha mẹ.
Không biết trân trọng: Khi mọi thứ đến quá dễ dàng, trẻ sẽ coi sự hy sinh của cha mẹ là điều hiển nhiên.
Tâm lý yếu ớt: Một lời chê bai nhẹ cũng đủ khiến trẻ suy sụp.
Thái độ học tập tiêu cực: Trẻ càng bị thúc ép, càng lười học, dễ bỏ cuộc, chán nản.
Ảnh hưởng của “hiệu ứng chuột đói” trong giáo dục
Cho quá nhiều – trẻ không biết trân quý
Trẻ em lớn lên trong môi trường vật chất dư dả thường thiếu sự cảm thông. Khi cha mẹ hy sinh vì con, con lại cảm thấy... xấu hổ thay vì biết ơn. Như một cô bé trong phim “Thế giới mới của bà ngoại” đã tỏ ra khó chịu khi thấy mẹ mình vất vả bán hàng trước cổng trường.
Quản lý quá mức – trẻ thiếu khả năng tự lập
Một nữ sinh thi đỗ trường quân đội với điểm cao nhưng lại không biết tự giặt đồ, không biết uống thuốc viên. Điều này phản ánh sự lệ thuộc do cha mẹ “bao bọc” quá mức, chỉ để con tập trung học mà quên đi kỹ năng sống.
Bảo vệ quá kỹ – trẻ yếu đuối về tâm lý
Trẻ em sống trong “nhà kính” dễ bị tổn thương khi đối mặt với thất bại, môi trường cạnh tranh hoặc xung đột xã hội. Khi trưởng thành, những đứa trẻ ấy dễ bị "gục ngã" trước khó khăn.
Dạy con đúng cách: Hãy để con “đói nhẹ” một chút
Muốn trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần thay đổi tư duy giáo dục:
Hơi “thiếu” một chút vật chất: Không nên đáp ứng ngay mọi yêu cầu của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ đạt được điều mình muốn bằng cách làm việc, cố gắng – như làm việc nhà để nhận điểm thưởng hay hoàn thành mục tiêu học tập để được thưởng.
Hơi “yếu đuối” một chút từ cha mẹ: Thay vì làm thay, hãy để trẻ thử làm, dù có thể làm chưa tốt. Khi cha mẹ "nhường sân", trẻ mới có cơ hội phát huy năng lực thật sự.
Tự chịu trách nhiệm: Cho trẻ quyền lựa chọn và chấp nhận hậu quả. Qua đó, trẻ học được cách tự ra quyết định và rút kinh nghiệm từ sai lầm.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)