Từ khi bước vào cấp hai, con trai tôi như biến thành một người khác. Cậu bé ngoan ngoãn, nghe lời ngày nào trở nên nóng nảy, bướng bỉnh và luôn phản kháng mọi lời tôi nói. Tôi bảo con đi ngủ sớm, con lại thức khuya chơi game. Tôi giục học bài, con gạt sách vở sang một bên. Nói chuyện với con thì như nói với cái bóng lạnh lùng, cáu kỉnh, thậm chí gắt gỏng.
Nuôi dạy trẻ tuổi dạy thì như một con nhím đã giúp che mẹ và con thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng
Không khí trong nhà lúc nào cũng căng như dây đàn. Tôi bất lực, lo lắng không biết làm sao để kéo gần khoảng cách với con. Cho đến một ngày, tôi tình cờ đọc được một bài viết về loài nhím, loài vật sẽ dựng gai nhọn mỗi khi cảm thấy bị đe dọa. Tôi chợt nhận ra: con trai mình chính là một chú nhím tuổi dậy thì. Những hành vi “bất hợp tác” thực chất chỉ là cách con bảo vệ bản thân trước áp lực và mong muốn được tôn trọng.
Dưới đây là 3 cách tôi "nuôi nhím" mà không bị thương
Giữ khoảng cách vừa đủ, tôn trọng không gian cá nhân
Trước đây, tôi thường can thiệp quá sâu vào đời sống của con. Nhưng giờ, tôi học cách xin phép thay vì tự ý. Ví dụ, muốn dọn phòng, tôi hỏi trước: “Mẹ giúp con dọn phòng nhé?” Nếu con từ chối, tôi tôn trọng.
Tôi cũng ngừng việc kiểm tra điện thoại, nhật ký, thay vào đó tạo niềm tin. Kết quả thật bất ngờ: khi con cảm nhận được sự tôn trọng, con chủ động kể tôi nghe chuyện ở trường, thậm chí là những điều thầm kín.
(Ảnh minh họa)
Dùng sự dịu dàng để xoa dịu những chiếc “gai”
Khi con nổi nóng, tôi không còn đáp trả bằng cơn giận. Tôi lùi lại, giữ bình tĩnh và chờ con hạ hỏa.
Một lần, con thi trượt và hét lên rằng muốn bỏ học. Tôi không trách móc, chỉ nhẹ nhàng ôm con và nói: “Mẹ hiểu con đang buồn. Nhưng một lần thất bại không sao cả, mình cùng nhau tìm cách sửa sai nhé”. Con trai tôi sau đó đã bật khóc trong vòng tay mẹ và đồng ý ngồi lại để xem lại bài thi.
Trò chuyện như hai người bạn
Tôi không còn ra lệnh, mà chuyển sang đối thoại bình đẳng. Chúng tôi cùng bàn về phim ảnh, âm nhạc, và cả chuyện bạn bè. Khi con muốn mua game mới, thay vì từ chối ngay, tôi rủ con lên kế hoạch quản lý thời gian học và chơi. Kết quả, con không chỉ đồng ý mà còn tự giác tuân thủ thỏa thuận.
Từ ngày tôi thay đổi, con trai cũng khác, hông còn bướng bỉnh, không còn cãi lời và con dần trở nên hiểu chuyện, gần gũi và chủ động hơn trong học tập. Chúng tôi đã thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng, bước vào một hành trình nuôi dưỡng tình thân bền vững hơn.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)