Một giáo sư về tài chính đến từ Đại học Minnesota – Mỹ cho biết: “Khi đứa trẻ biết đến tiền, chúng luôn đòi hỏi tiền tiêu vặt để mua những thứ như bánh kẹo, đồ chơi… Đó là quãng thời gian từ 5 – 8 tuổi, việc này khiến cho bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng phải đau đầu”.
Vậy làm sao để giải quyết vấn đề đó, các chuyên gia về tài chính đã có một hướng dẫn rất thú vị cho các bậc cha mẹ trong việc cho tiền tiêu vặt đúng cách. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Bước đầu tiên: Quyết định số tiền là bao nhiêu?
Các chuyên gia cho rằng số tiền hợp lý nhất cho việc tiêu vặt này là 20.000 đồng/1 tuổi/1 tuần. Như vậy, đối với trẻ 5 tuổi sẽ được 100.000 đồng/1 tuần, trẻ 7 tuổi sẽ là 140.000 đồng/1 tuần. Khi trẻ lớn hơn nữa thì cha mẹ tùy thuộc vào nhu cầu chi tiêu khác của trẻ mà cân đối lại công thức này (Số tiền có thể điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình).
Bước thứ hai: Đưa ra các quy tắc
Nhiều chuyên gia tài chính khuyến nghị rằng khoản trợ cấp này có thể áp dụng như một công cụ học tập rất hữu hiệu mà ở đó trẻ không chịu sự ràng buộc nào. Cho trẻ tiền và yêu cầu không cần hoàn lại, hướng dẫn trẻ cách tiết kiệm, chi tiêu đúng cách và thậm chí là đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện rằng 4/5 phụ huynh đều trợ cấp tiền tiêu vặt cho trẻ thông qua làm việc nhà. Một gia đình cho biết những đứa con của mình luôn phải làm việc vặt trong gia đình nếu mong muốn có được khoản tiền tiêu vặt. Việc này cũng có mặt tích cực đó là cho trẻ hiểu được việc “bản thân phải làm việc để kiếm tiền, từ đó trẻ sẽ có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tiêu tiền”.
Đây là một trong những phương pháp rất phổ biến, nhưng đánh giá một cách sâu xa thì nó có mặt trái, khoản tiền này được trả dựa trên những công việc trẻ phải làm hằng ngày vô tình truyền tải thông điệp đến trẻ rằng chúng phải nhận được tiền nếu làm bất kỳ việc nào trong nhà. Nếu vào một ngày đẹp trời, trẻ nói rằng chúng không muốn quét nhà và cha mẹ có thể giữ lại tiền, thì bạn sẽ xử lý như thế nào?
(Ảnh minh họa)
Một chuyên gia tâm lý cho rằng phương pháp thích hợp nhất đó chính là cha mẹ nên chủ động cho tiền trẻ tiêu vặt theo định mức, nhưng sẽ giao thêm các công việc khác trẻ phải thực hiện trong tuần như nhặt cỏ, quét nhà… Như vậy trẻ sẽ vui vẻ hơn trong việc nhận tiền, tiêu tiền đúng mục đích và thậm chí là làm việc nhà theo yêu cầu của cha mẹ.
Bước thứ ba: Hoàn thiện các quy tắc
Việc đưa ra những quy tắc mở, hướng dẫn cho trẻ hiểu được sự quan trọng của đồng tiền, trẻ từ 6 tuổi trở lên có thể đặt ra những kỳ vọng rõ ràng và giúp đảm bảo tính nhất quán. Bao gồm tiền trợ cấp từ cha mẹ và công việc mình phải làm. Bạn nên trao đổi với trẻ để đưa ra những quy tắc cụ thể số tiền trẻ nên tiêu, tiền tiết kiệm và từ thiện, đầu tư. Các chuyên gia đề xuất tỷ lệ % như sau: 80% dành cho chi tiêu, 10% dành cho tiết kiệm, 10% dành cho từ thiện và đầu tư.
(Ảnh minh họa)
Để rõ ràng hơn cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ biết rằng mọi thứ đồ vật cần thiết trong cuộc sống của trẻ như thực phẩm, quần áo, đồ dùng học tập… cha mẹ sẽ mua cho trẻ. Tiền tiêu vặt này là trẻ sẽ để mua những thứ khác trẻ muốn mua, cha mẹ không có ý định mua những thứ này cho trẻ.
Bước bốn: Tạo những khoảnh khắc có thể dạy trẻ
Điều kỳ diệu của khoản trợ cấp này chính là nó sẽ tạo bàn đạp cho các cuộc thảo luận về số tiền, kế hoạch chi tiêu và ý nghĩa của nó. Nó sẽ tạo nên sợi dây vô hình gắn kết cha mẹ và trẻ gần nhau hơn, tạo nền tảng vững chắc để trẻ có thể tiến bước sau này.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)