1. Tận dụng trò chơi
“Ở đâu không có hứng thú, ở đó sẽ không có ký ức”, câu nói của Goethe đã nhắm đúng vào đặc điểm ghi nhớ ở trẻ nhỏ. Bậc phụ huynh thông minh không thể “ra lệnh” cho trẻ ghi nhớ điều này, điều kia mà phải cho trẻ được học trong khi chơi, nhớ trong khi chơi. Cũng không khó để tưởng tượng, tận dụng trò chơi có thể khiến trẻ ghi nhớ rất nhiều thứ trong vô thức mà không hề có cảm giác mình bị ép phải nhớ. Vì vậy, hãy kể cho trẻ nghe nhiều hơn về ca dao tục ngữ, chuyện kể, ra câu đố cho trẻ hay chỉ đơn giản là hát cùng trẻ v.v.
2. Xác nhận nhiệm vụ
Đừng nói là trẻ nhỏ, ngay cả bản thân người lớn chúng ta có thể cũng không thể nhớ nổi chiếc cầu thang mà mình đã đi qua rất nhiều lần thật ra có bao nhiêu bậc. Nhưng nếu như bạn nói với trẻ: “Con đếm xem cầu thang mình hay đi có bao nhiêu bậc rồi chủ nhật này về nói cho bà ngoại biết nhé”, trẻ chắc chắn sẽ ghi nhớ được.
Hoặc nếu bạn kể cho trẻ nghe một câu chuyện thì trước đó hãy bảo trẻ rằng: “Mẹ kể chuyện này rồi mai mốt con kể lại cho bố nghe nhé”, như vậy có thể thúc đẩy trẻ ghi nhớ câu chuyện mà bạn sắp kể.
Cả hai ví dụ trên đều là do bạn đã xác nhận nhiệm vụ cho trẻ một cách rõ ràng. Nhiệm vụ hay mục đích ghi nhớ càng rõ ràng thì càng nâng cao tính hưng phấn của các khu vực liên quan ở tầng vỏ não, hình thành hứng thú tốt hơn vì thế mà ghi nhớ cũng tốt hơn.
3. Kèm thêm ý nghĩa
Khi nội dung phải nhớ có ý nghĩa thì bạn có thể giúp trẻ ghi nhớ sau khi đã hiểu. Nhưng nếu một số tư liệu không có liên hệ về mặt ý nghĩa thì làm sao? Bạn hãy dẫn dắt trẻ bằng cách “kèm thêm” ý nghĩa cho tư liệu mà trẻ phải nhớ. Phương pháp cụ thể như sau:
Phép giả tưởng: Ví dụ muốn trẻ nhớ núi Phú Sĩ cao 12.365 feet so với mực nước biển, bạn có thể giả tưởng núi Phú Sĩ là một ngọn núi “2 tuổi”, tức là “12” liên tưởng thành 12 tháng (1 tuổi), còn “365” liên tưởng thành 365 ngày (1 tuổi). Giả tưởng như vậy đối với trẻ sẽ dễ nhớ hơn.
Phép hình tượng: Xem hình nhận biết chữ được cho là phép hình tượng điển hình nhất. Ví dụ, muốn trẻ nhớ những con số, bạn có thể cho trẻ liên tưởng những hình ảnh cụ thể như: số 1 thì một nét thẳng như cây bút chì, số 2 giống chú vịt con lội trên mặt hồ, số 3 giống lỗ tai để nghe, số 4 giống lá cờ bay phất phới…
4. Khéo tận dụng thời cơ
Những thứ được học ở những thời gian khác nhau thì hiệu quả ghi nhớ cũng không giống nhau. Nghiên cứu cho thấy, con người ghi nhớ tốt hơn khi học trước lúc ngủ. Bởi vì sau khi học đi vào giấc ngủ không bị những thứ khác làm rối nhiễu, khiến cho não có một mức độ tự củng cố ký ức rất tốt. Do đó, câu chuyện, câu đố, khúc hát… hãy kể cho trẻ nghe trước giờ ngủ nhé.
5. Dùng nhiều cảm quan
Có một thực nghiệm như sau: lấy 10 bộ phim hoạt hình làm tư liệu, hiệu quả ghi nhớ của thính giác là 60%, hiệu quả ghi nhớ của thị giác là 70%, nhưng nếu kết hợp cả thính giác, thị giác lẫn các hoạt động ngôn ngữ thì hiệu quả ghi nhớ lên đến 86.3%. Đây là do khi bạn dùng nhiều cảm quan và hoạt động nhận thức có thể xây dựng được nhiều hơn mối liên kết thần kinh ở tầng vỏ não.
Muốn ghi nhớ thì phải biết cách nhớ. Có trẻ biết rất nhiều nhưng đến lúc cần thì không nhớ nổi, không phải trẻ không ghi nhớ mà là không giỏi “nhớ lại”. Cho nên, rèn trí lực cho trẻ không phải chỉ giúp trẻ giỏi “ghi nhớ” thôi, mà còn cần giúp trẻ giỏi “nhớ lại” nữa. Hãy để trẻ hệ thống những thứ đã nhớ trong đầu thành từng nhóm, những tri thức sau đó lại tiếp tục quy vào nhóm tương ứng. Như vậy, hệ thống đã có trong não thì sẽ dễ dàng nhớ lại hơn. Nói cách khác, tính hệ thống càng mạnh thì lúc cần dùng càng dễ “rút” ra.
Theo Pháp Luật Xã Hội