Hoa hậu Ngọc Diễm có một cô con gái xinh đẹp. Như bao bậc phụ huynh khác, cô luôn muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con và muốn bé phát triển toàn diện. Khi đọc được một bài viết hữu ích về điều cha mẹ có thể làm để giúp con phát triển EQ, Ngọc Diễm đã chia sẻ với mọi người.
Trước hết, các phụ huynh cần hiểu EQ là gì? EQ (Emotional Quotient) được hiểu là trí thông minh cảm xúc, thể hiện sự sáng tạo, khả năng thấu hiểu và trí tưởng tượng của một cá nhân trước thế giới xung quanh. Tiến sĩ Travis Bradberry - tác giả của cuốn sách bán chạy nhất thế giới về EQ khẳng định: "90% người thành công đều có chỉ số EQ rất cao". Hay nói cách khác, EQ là yếu tố thiết yếu cho sự thành công của con.
Dưới đây là một số điều các bậc bố mẹ có thể làm để giúp cho con phát triển EQ:
"Kiềm chế sự nóng giận
Khác với người lớn, teen còn khá non nớt và thiếu kinh nghiệm quản lý cảm xúc, nhất là sự nóng giận. Về mặt sinh học, chính sự phát triển chưa hoàn thiện của vỏ não trước khiến teen gặp lúng túng khi giận dữ, dẫn đến các sai lầm hay hậu quả đáng tiếc. Trong giai đoạn này, cha mẹ chính là người bạn tâm giao giúp con kiềm chế sự nóng giận, và phát triển khả năng quản lý cảm xúc. Dưới đây là một số gợi ý đối mặt với cơn nóng giận đơn giản mà cha mẹ có thể rèn luyện cho con:
- Tìm nơi yên tĩnh, thoáng đãng, cách xa người hay nơi khiến con tức giận.
- Uống một chút nước, nghe một bản nhạc êm dịu để bình tĩnh lại.
- Khuyến khích con chia sẻ suy nghĩ của mình cho cha mẹ (nếu có thể).
- Tuyệt đối không la mắng hay trách móc con.
Song song với việc khuyên răn con, bản thân cha mẹ cũng cần điều tiết cảm xúc của mình để làm gương cho con. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ hay xích mích, nổi nóng với nhau khó có thể có EQ cao so với những đứa trẻ trong gia đình hoà thuận, yêu thương nhau. Cha mẹ nên tránh nổi nóng, cáu giận, hay cãi cọ trước mặt con, vì con sẽ có khuynh hướng bắt chước các hành động của cha mẹ. Khi đó, bạn sẽ khó đưa ra các lời khuyên đúng đắn để giúp con phát triển EQ.
(Ảnh minh họa)
Đặt mình vào vị trí người khác
Trong giai đoạn teen, con thường có cái tôi khá lớn, và muốn khẳng định bản thân. Đôi khi, nếu không đủ khéo léo và cảm thông, con sẽ làm tổn thương đến những người con yêu thương. Để phát triển khả năng tạo ra cảm xúc của con, cha mẹ nên khuyên con đặt mình vào vị trí người khác, thay vì áp suy nghĩ chủ quan của mình lên họ. Khi thấu hiểu cảm nghĩ của mọi người, con sẽ biết điều tiết cảm xúc và tránh làm tổn thương họ.
Cha mẹ có thể áp dụng câu hỏi đơn giản sau: “Nếu con là bạn, con sẽ làm gì?”
Chẳng hạn, khi người bạn thân mà con mong ngóng nhất không đến dự sinh nhật của con, con giận bạn, và quyết định sẽ không chơi với bạn đó nữa. Thế nhưng, có thể bạn hay người thân của bạn đang gặp một vấn đề gì nghiêm trọng, đột xuất nào đó mà không thể giữ lời hứa với con, như bố của bạn ấy bị tai nạn giao thông phải nằm viện, hay bạn ấy có việc gấp nên phải về quê gấp, chưa kịp nhắn lại cho con. Trong trường hợp này, cha mẹ cần gợi ý cho con suy xét vấn đề từ góc nhìn của người bạn đó, và cố gắng hiểu tại sao bạn ấy lại không đến dự sinh nhật con. Từ đó, con sẽ cảm thông hơn với bạn, và hỏi han về bạn thay vì trách móc bạn, dẫn đến ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè sau này.
Không chỉ trong giai đoạn teen, kỹ năng thấu hiểu mọi người còn rất cần thiết cho con trong công việc sau này, nhất là trong những môi trường làm việc đòi hỏi sự cộng tác nhóm lớn. Vậy nên, nếu được rèn luyện sự cảm thông từ sớm, con sẽ có nhiều khả năng được yêu mến, trọng dụng trong công việc sau này.
Ứng phó trước các tình huống ngoài xã hội
Không chỉ dừng lại ở môi trường gia đình hay lớp học, cha mẹ cũng cần dạy con cách ứng phó trước các tình huống ngoài xã hội. Với sự định hướng, gợi ý từ cha mẹ, con sẽ vững vàng và nhanh trí hơn trước mọi vấn đề bất ngờ hàng ngày. Cha mẹ có thể tham khảo một số tình huống mà teen có thể gặp phải trong giai đoạn phổ thông dưới đây:
- Bắt nạt học đường
- Lạm dụng tình dục
- Tệ nạn xã hội
- Trộm cắp, cướp giật
…
(Ảnh minh họa)
Chẳng hạn như bắt nạt học đường – một vấn nạn nổi cộm của teen ngày nay. Khi thấy một người bạn cùng trường bị các anh chị lớp trên bắt nạt hay đánh đập, teen dễ có phản ứng tự nhiên là hèn nhát bỏ đi trong im lặng, hay hiếu chiến xông vào đánh nhóm người kia để bị kỷ luật. Trong tình huống này, cách xử trí hợp lý nhất đó là báo ngay cho thầy cô hay cán bộ nhà trường để có biện pháp can thiệp hợp lý, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc...".
A.N (Theo Nld.com.vn)