Đứa trẻ hay làm hỏng mọi thứ
Có những đứa trẻ rất thích tháo tung đồ đạc ra bởi chúng thực sự tò mò về những thứ chúng chưa biết đến. Chúng có thể dùng tay để tháo rời đồ chơi, xem cấu trúc bên trong chiếc xe ô tô đồ chơi thế nào, lớn hơn chút, chúng biết dùng tua vít, búa... để tháo dỡ những đồ dùng lớn hơn...
Những đứa trẻ này, đồ chơi bố mẹ mua cho sẽ chẳng được mấy mà đã hỏng. Đồ đạc trong nhà cũng vì chúng mà "ra đi" không ít khiến bố mẹ phát cáu, luôn mắng con là nghịch ngợm, không biết giữ gìn đồ chơi... Tuy nhiên, nghịch ngợm chính là quá trình trẻ khám phá những điều mới mẻ, nâng cao khả năng nhận thức và nạp thêm kiến thức thực tiễn, nó cho thấy trẻ rất thông minh.
Khi trẻ nghịch ngợm như vậy, bố mẹ có thể hướng dẫn con cách tháo lắp để vẫn khám phá được đồ vật nhưng không làm hỏng chúng.
Cho tay vào miệng
Khi trẻ được khoảng 4 tháng tuổi, các giác quan đang ở trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ thích khám phá thế giới bằng miệng. Biểu hiện chính là trẻ thường xuyên mút tay, đưa đất cả mọi thứ vào miệng.
Trong trường hợp này, cha mẹ hãy chuẩn bị một số đồ vật mềm, vệ sinh thật kỹ để thỏa mãn sở thích khám phá của con.
Hay hỏi
Những đứa trẻ chưa biết gì về thế giới nên chúng luôn cảm thấy tò mò về mọi thứ và thích đặt ra các câu hỏi hóc búa, khiến phụ huynh phải "bó tay". Một trong những dấu hiệu thông minh bẩm sinh là những câu hỏi của trẻ rất thông minh và sắc sảo. Đôi khi câu hỏi của bé khó đến nỗi cha mẹ không thể tự trả lời được mà phải cần đến sự trợ giúp của người khác hoặc chị Google.
Đôi khi câu hỏi của bé sẽ khiến cha mẹ cảm thấy phiền nhiễu nhưng đừng vội nổi cáu với con. Các bé chỉ đang muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh mình mà thôi.
Bày bừa đồ đạc
Chắc hẳn trong số các mẹ ở đây ai cũng có vài lần "phát vào mông" con mấy cái vì tội bày bừa đồ đạc ra khắp nơi rồi đúng không? Nào là: đồ chơi, bút bi, thú bông,... hoặc đơn giản là thứ xuất hiện trước mắt chúng.
Thứ nhất, là do não của chúng chưa hoàn thiện. Thứ hai, đây là cách giúp trẻ phát triển khả năng vận động, phối hợp linh hoạt giữa tay và mắt. Thứ ba, đây là lúc trí não chúng bắt đầu được bật chế độ "mở" với thế giới xung quanh, kích hoạt sự tò mò sáng tạo trong chúng. Và cuối cùng khi ném quăng quật đồ đạc, trẻ sẽ học được rằng, nếu ném thứ gì đi thì nó sẽ rơi xuống. Vậy nên cha mẹ đừng quát mắng, mà hãy nhẫn nại giải thích cho trẻ, thứ nào ném được, thứ nào không.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)