Viết chữ bằng… bột mì
* Trò chơi này có thể dành cho bé từ 3 tuổi trở lên
Đây là một trò chơi tuyệt vời giúp con yêu có cảm giác về việc viết chữ mà không cần đến giấy hay bút chì. Đầu tiên, mẹ hãy trải đều một lớp bột mì vừa độ dày lên một tấm giấy bạc dùng để nướng thực phẩm trải phẳng trên một chiếc khay nhựa, sau đó hãy chỉ cho con xem cách viết các chữ cái bằng một hay hai ngón tay như thế nào. Khi con viết xong một chữ cái, mẹ có thể “xóa” các chữ cái bằng cách dùng tay lắc nhẹ khay bột và tiếp tục viết chữ khác. Sau khi chơi xong hãy đổ bột vào một túi có khóa kéo (ziplock bag) để lần sau chơi lại.
Ngoài bột mì, mẹ có thể thay thế bằng cát sạch, gạo, muối, đường, đất nặn mềm và ướt… (mẹ có thể nhuộm gạo nhiều màu sắc)… để cho con chơi. Đây là một trong những trò chơi giác quan, cảm giác (Sensory Play) đơn giản và tuyệt vời cho các bạn nhỏ, ngoài việc giúp bé làm quen với chữ cái một cách sáng tạo, bé sẽ được cảm nhận “đồ chơi” của mình bằng các giác quan khi dùng tay vẽ chữ trên nền bột, cát hoặc gạo…, qua đó tăng cường các kỹ năng vận động thô và tinh, sự nhạy bén, khéo léo cũng như phát huy được sự sáng tạo tìm tòi của bé.
Những chữ cái bị “mất tích”
* Trò chơi dành cho bé từ 2,5 tuổi trở lên
Hãy cùng con bước chân vào thế giới của các chữ cái với một trò chơi thú vị mà các bé đều rất thích là trò chơi trốn tìm. Để bắt đầu, mẹ hãy tìm và gom lại các đồ chơi của bé cùng bắt đầu bằng một chữ cái, ví dụ như bóng, bánh quy, bát… (cùng bắt đầu bằng chữ “B”, hoặc nếu muốn bé học tiếng Anh thì có thể dùng các từ bằng tiếng Anh cũng bắt đầu bằng “B” như chuối (banana), thuyền (boat), bóng (ball)…).
Hãy mô phỏng cho con âm thanh chữ cái bắt đầu của các đồ chơi đó rồi yêu cầu bé nhắm mắt lại trong khi bố mẹ giấu các đồ chơi ở xung quanh phòng. Sau đó, hãy gợi ý con bằng cách lặp lại âm thanh chữ cái bắt đầu của đồ chơi đó (với ví dụ trên là “buh buh buh” và đố bé đi tìm mọi thứ ở trong phòng bắt đầu với âm thanh đó.
Trò chơi này không chỉ hấp dẫn các con với hoạt động trốn tìm mà còn là bước đơn giản đầu tiên giúp con kết nối việc đọc (phát âm) với hình ảnh của những đồ vật có sự xuất hiện của chữ cái đó, đây là cơ sở quan trọng giúp bé làm quen với việc học đọc sau này.
“Nhận diện” chữ cái
* Có thể dành cho bé từ 4 tuổi trở lên
Mẹ hãy vẽ to một chữ cái lên giấy, sau đó đưa cho con bút chì hoặc màu sáp rồi gợi ý cho con “biến” chữ cái đó thành một hình ảnh nào đó có sự liên quan, xuất hiện của chữ cái mà bố mẹ vừa vẽ lên giấy.
Ví dụ đối với chữ “a” thường, con có thể vẽ một cái “áo”, hoặc một từ tiếng Anh là “apple”, hay chữ “B” in con có thể liên tưởng tới “Butterfly” và vẽ một chú bướm… Bố mẹ có thể “thử thách” các con lớn tuổi hơn bằng cách gợi ý con vẽ hàng loạt các hình ảnh mà tên của nó bắt đầu bằng chữ cái mà bố mẹ đã vẽ.
Việc liên tưởng bằng hình ảnh gắn liền với một chữ cái nào đó giúp cho các con ghi nhớ tốt hơn, không chỉ thế, việc học chữ cái cũng trở nên vui vẻ hấp dẫn hơn nhờ các con được thỏa sức với trí tưởng tượng của mình.
Các chữ cái chơi xếp hàng
* Dành cho bé từ 4 tuổi trở lên
Để chuẩn bị cho trò chơi này, bố mẹ có thể mua những bộ sticker chữ cái hoặc bộ chữ cái có thể dính lên bảng từ. Đầu tiên, hãy cùng giúp con gắn các chữ cái lên bảng theo đúng thứ tự, sau đó bảo con nhắm mắt lại và mẹ sẽ tráo đổi vị trí của 1 đến 2 chữ cái nhất định. Khi con mở mắt ra, hãy đố con đưa các chữ cái về đúng vị trí của mình (nếu con bối rối thì hãy cổ vũ con bằng cách hát bài hát ABC). Khi con đã chơi thành thạo, hãy chuẩn bị thêm một vài hình ảnh và cổ cũ con dán các chữ cái vào bên cạnh hình vẽ mà tên của nó bắt đầu bằng chữ cái đó.
Trò chơi này sẽ giúp các bé rèn luyện trí nhớ rất tốt, qua việc ghi nhớ vị trí của các chữ cái, bé cũng sẽ học được cách “định vị” trước sau, trên dưới… Chúc cả nhà có những trò chơi vui vẻ và các con sẽ hào hứng hơn với việc học các chữ cái thông qua các trò chơi đơn giản này.
afamily.vn