1. Giáo dục kiểu kiểm soát cao
Cha mẹ áp đặt toàn bộ kế hoạch học tập, cấm đoán trẻ tham gia các hoạt động xã hội, giám sát chặt chẽ điện thoại và thời gian rảnh. Trẻ bị biến thành “máy học” không có cảm xúc. Dưới áp lực dài hạn, nhiều em xuất hiện các triệu chứng lo âu, mất ngủ, và cuối cùng là trầm cảm.
Giải pháp: Tôn trọng quyền tự chủ của trẻ, cho phép trẻ tham gia xây dựng kế hoạch học tập và có thời gian tự do mỗi tuần để phát triển sở thích cá nhân.
Giáo dục kiểu kiểm soát cao khiến trẻ lo âu, mất ngủ và cuối cùng là trầm cảm
2. Giáo dục thiếu cảm xúc
Khi trẻ bị tổn thương, thay vì lắng nghe và vỗ về, cha mẹ lại mắng mỏ là "yếu đuối", "vô dụng". Trẻ bị bỏ rơi trong thế giới cảm xúc của chính mình, dễ phát triển tính cách khép kín, hay tự ti hoặc sống để làm hài lòng người khác.
Giải pháp: Dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để lắng nghe trẻ mà không đánh giá, thường xuyên thể hiện tình cảm bằng hành động như ôm, khen ngợi, trò chuyện.
3. Giáo dục bằng bạo lực ngôn ngữ
Những câu nói như “sống chỉ làm khổ cha mẹ”, “ngu dốt như mày thì chẳng làm nên trò trống gì” … trở thành "dao găm vô hình" đâm vào lòng tự trọng của trẻ. Lâu dần, trẻ hình thành lối suy nghĩ tiêu cực, tự phủ nhận bản thân, dẫn đến tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
Giải pháp: Thay thế lời chỉ trích bằng ngôn ngữ khích lệ. Khi trẻ mắc lỗi, hãy nói: “Ba/mẹ thấy con gặp khó khăn, chúng ta cùng tìm cách giải quyết nhé.”
4. Giáo dục dựa trên thành tích
Cha mẹ đặt toàn bộ kỳ vọng và tình yêu thương vào điểm số và thành tích của con. Khi trẻ không đáp ứng được, sẽ phải đối diện với thất vọng, so sánh, trách móc. Trẻ cảm thấy bản thân "không xứng đáng được yêu", từ đó sinh ra tâm lý tự trách và trầm cảm.
Giải pháp: Giảm kỳ vọng thành tích, thay vào đó chú trọng bồi dưỡng đạo đức, kỹ năng sống và năng lực chống chịu thất bại – những yếu tố quan trọng để trẻ trưởng thành khỏe mạnh.
5. Giáo dục chuyển giao mâu thuẫn
Nhiều cha mẹ khi mâu thuẫn với nhau thường lôi con vào cuộc, bắt con “chọn phe”, khiến trẻ rơi vào cảm giác có lỗi, thậm chí nghĩ rằng mình là nguyên nhân của mọi bất hạnh. Trẻ dễ hình thành tâm lý sợ hãi, lo lắng, và mất cảm giác an toàn.
Giải pháp: Thiết lập nguyên tắc “trẻ không tham gia vấn đề người lớn”. Nếu căng thẳng không thể kiểm soát, nên tìm đến chuyên gia trị liệu gia đình để tránh tổn thương kéo dài cho trẻ.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)