Bí quyết nuôi dạy con đỉnh cao từ Harvard: Đơn giản mà hiệu quả bất ngờ
Các nhà nghiên cứu từ những đại học danh tiếng như MIT, Harvard và Pennsylvania đã tìm ra chân lý: điều quý giá nhất cha mẹ có thể trao cho con không phải là những món đồ đắt tiền, mà chính là những cuộc trò chuyện chân thành mỗi ngày. Điều đáng kinh ngạc là nếu bắt đầu từ sớm, khoảng 4-6 tuổi, những đối thoại này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng quan trọng bậc nhất để thành công trong tương lai - khả năng giao tiếp.
Hàng loạt nghiên cứu đã chứng minh những đứa trẻ giao tiếp tốt thường xây dựng được các mối quan hệ lành mạnh, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn, lòng tự trọng cao hơn và đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp.
Đặc biệt, Harvard còn phát hiện ra những người giỏi giao tiếp thường là những nhà đàm phán xuất sắc, biết cách tạo ra tình huống đôi bên cùng có lợi, từ đó mở ra cánh cửa thành công cho chính mình.
Harvard và vai trò của kỹ năng giao tiếp trong thành công của trẻ
Harvard nhấn mạnh: kỹ năng giao tiếp không chỉ là khả năng nói chuyện, mà còn là nền tảng giúp trẻ xây dựng mối quan hệ lành mạnh, tự tin thể hiện quan điểm và thành công trong cuộc sống.
Một đứa trẻ chuẩn bị đi cắm trại ở trường học. Người mẹ hơi lo lắng khi con lần đầu tiên đi xa nhà nên đã hỏi: "Con sắp đi đến một nơi xa lạ, có thấy nhớ nhà không?".
Cô con gái nghĩ về điều đó và đưa ra một câu trả lời mơ hồ: "Có thể". Sau đó người mẹ hỏi tiếp: "Con sẽ làm gì nếu thực sự nhớ nhà?".
Cô con gái đặt quyển sách trên tay xuống và nghiêm túc suy nghĩ: "Nhớ nhà thì có thể trò chuyện với các bạn trong lớp hoặc làm một điều gì đó thú vị. Con nhớ khi mẹ về muộn, con đã tìm ở nhà một quyển sách và tập trung đọc. Có lẽ con có thể mang theo cuốn sách đó".
Người mẹ trong câu chuyện chỉ dành vài phút trò chuyện với con gái, để đứa trẻ suy nghĩ về những tình trạng tâm lý và giải pháp mà mình có thể gặp phải, từ đó đứa trẻ nâng cao khả năng hiểu bản thân.
Trong cuộc trò chuyện, trẻ càng nghĩ nhiều về những thay đổi bên trong thì càng có khả năng phản ứng chính xác với thế giới bên trong và bên ngoài của mình.
Một nghiên cứu của Harvard sử dụng fMRI (chụp cộng hưởng từ chức năng) cho thấy vùng não Broca (vùng tạo ra lời nói và xử lý ngôn ngữ) của những đứa trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện qua lại với gia đình, hoạt động tích cực hơn nhiều những đứa trẻ khác.
Nghiên cứu này đã đánh giá 36 trẻ em bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để xác định sự khác biệt trong cách não bộ phản ứng với các phong cách đối thoại khác nhau.
Những đứa trẻ đó cũng đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về ngôn ngữ, ngữ pháp và kỹ năng thuyết trình, suy luận.
Không phải 30 triệu từ, mà chất lượng đối thoại mới quyết định
Năm 1995, một khảo sát gây sốc cho thấy: trẻ em gia đình khá giả sở hữu khả năng ngôn ngữ và giao tiếp thành thạo hơn nhờ được tiếp xúc tới 30 triệu từ nhiều hơn so với trẻ nghèo. Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ Harvard bác bỏ điều này.
Giáo sư Gabrieli cho biết: "Những cuộc đối thoại mới là thứ tạo nên sự khác biệt, không phải địa vị xã hội. Trong những gia đình thượng lưu, họ dành thời gian để trò chuyện với con cái thường xuyên. Nếu những đứa trẻ từ gia đình thiếu điều kiện được cha mẹ tâm sự, chia sẻ, chúng cũng nhận lại những lợi ích như vậy".
Cách Harvard gợi ý cha mẹ giao tiếp với con
Trong những tương tác hàng ngày, khi đứng trước sự lựa chọn, chúng ta nên hỏi trẻ và để trẻ tự quyết định.
Đối với những đứa trẻ còn nhỏ tuổi, cha mẹ hãy đặt ra các câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như: "Hôm nay con sẽ mặc áo khoác xanh hay áo khoác trắng?",... Đối với những trẻ lớn hơn, hãy đặt cho con một số câu hỏi mang tính thử thách.
Ví dụ, bộ phim con muốn xem sẽ chiếu vào cuối tuần, nhưng chuyến dã ngoại của trường tổ chức cũng diễn ra vào khoảng thời gian này. Cha mẹ có thể hỏi: "Vậy con thấy giữa việc xem phim và tham gia dã ngoại với bạn học, điều nào thú vị, nên làm hơn vào dịp cuối tuần".
Cha mẹ cần tránh đưa ra quyết định trực tiếp cho con, nhưng hãy sử dụng các cuộc trò chuyện để não bộ của trẻ có cơ hội vận động, để trẻ học cách cân nhắc những ưu và khuyết điểm, không ngừng thực hành đưa ra những lựa chọn khôn ngoan trong các trường hợp xung đột.
Khi trẻ lớn lên, chúng sẽ không gặp khó khăn trong việc lựa chọn, và sẽ có thể đưa ra quyết định có lợi nhất vào những thời điểm quan trọng.
Hãy trò chuyện về những gì đứa trẻ quan tâm
Khi giao tiếp với con, cha mẹ cũng có thể nói nhiều hơn về những gì con quan tâm, những gì chúng thích, những gì chúng đã làm thành công và những điều mới mà chúng đã khám phá được gần đây.
Bằng cách trao quyền chủ động cho trẻ, cha mẹ có thể đi sâu hơn vào thế giới của trẻ.
Hướng dẫn trẻ suy nghĩ khi trò chuyện
Khi trò chuyện, cha mẹ cần khơi gợi vấn đề cho trẻ, để trẻ vận động trí não, nâng cao khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề.
Cha mẹ Do Thái có quy tắc trò chuyện với con rất thú vị, đó là liên tục đặt câu hỏi trong quá trình tương tác với trẻ, để hướng trẻ suy nghĩ nhiều hơn. Chẳng hạn như:
- "Nhìn đứa nhỏ kia khóc, có phải gặp phải chuyện gì buồn không?".
- "Nếu con là người gặp khó khăn, con sẽ làm gì?".
- "Đề nghị của mẹ là thế này, con có ý tưởng nào hay hơn không?".
Bận rộn đến mấy cũng dành thời gian trò chuyện với con
Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Leif Esquith từng nói rằng: Dù bận rộn đến đâu. hàng ngày bạn cũng nên dành thời gian để dùng bữa cùng con. Vì đây là cơ hội tốt nhất giao tiếp với trẻ.
Mọi cuộc nói chuyện với con trẻ nên nhẹ nhàng và dễ chịu, hơn là trang trọng và nặng nề. Và mỗi khi trò chuyện, hãy nhớ trò chuyện bằng những câu hỏi để định hướng tư duy và kích thích vỏ não của trẻ.
Diệu Hạnh - (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)