Làm cha mẹ là một trải nghiệm bổ ích nhưng cũng đầy thách thức. Bản thân tôi thấy nuôi dạy trẻ cũng cần phải có kỹ năng, có tâm huyết thì mới thành công được.
Nhiều bạn bè khen tôi sướng vì con ngoan. Nhưng trẻ con không tự dưng mà ngoan. Người mẹ phải dạy dỗ thì con mới ngoan. Vậy nhưng tôi không dạy con ngoan bằng roi vọt. Chỉ có mẹ kém cỏi, thiếu hiểu biết mới đánh con. Còn tôi, khi con không vâng lời, tôi phạt bằng cách khác.
Khi con không vâng lời
Rút ngắn thời gian chơi của con
Tôi áp dụng cách này vì nghĩ đây có thể coi là sự trừng phạt rất nghiêm khắc, đánh đúng tâm lý ham chơi ở trẻ. Có lần con tôi mải chơi, nói thế nào cũng không chịu lên giường ngủ, tôi đành phải nghiêm nghị: “ Từ ngày mai, nếu sau 9 giờ mà mẹ chưa thấy con đi ngủ thì con chỉ được chơi đúng một tiếng thôi nhé”. Ngày hôm sau, tưởng mình chỉ nói đùa, con vẫn không chịu thực hiện, mình áp dụng ngay lập tức và khá hiệu quả đấy các mẹ.
Để con biết hậu quả từ việc không nghe lời
Đôi lúc cũng bực lắm vì nhiều khi con ngoan cố, không những không vâng lời mà còn tái phạm nhiều hơn. Cụ thể thế này: Con hay làm hỏng đồ chơi, có lần tôi nhắc nhở mà cố tình ném đi, làm hỏng hơn. Tôi tịch thu và không cho con chơi trong vài ngày. Hay đang chơi với bạn ở sân thì xảy ra đánh nhau, tranh giành nhau. Tôi quyết định không cho con ra ngoài chơi 3 ngày sau đó. Con quấy khóc đòi bằng được, tôi ngồi xuống chỉ rõ sai phạm của con và hậu quả của việc đó để trẻ phải “phục” mình. Có như vậy, lần sau trẻ sẽ không tái phạm vì nhận ra được sai lầm của mình dẫn đến hậu quả là gì.
Khi con mè nheo
Đánh lạc hướng để con quan tâm đến cái khác
Đây là cách phổ biến hay dùng và khá hiệu quả. Đơn giản như con đang chơi lại đòi nghịch bình hoa ở trên bàn, tôi chỉ rõ tại sao không chơi được và đưa ngay con búp bê biết đi cho con rồi bảo: “Cái đó không có nhạc, không đi được như búp bê của con đâu”. Khi con thấy hợp lý, sẽ không quấy đòi nữa.
Không nói chuyện và lờ con đi
Không phải lúc nào cũng chấp nhận “thỏa hiệp” nhanh chóng, lắm lúc con đòi cho bằng được, nếu không thì lăn đùng ra giãy dụa và la hét, mà tiếng khóc của trẻ thì các mẹ biết rồi đấy. Tôi vẫn giữ thái độ bình tĩnh và nghiêm túc, đưa con ra một khu vực khác mà mình vẫn có thể thấy con, nhưng cho con ở một mình để con tự suy nghĩ về việc làm vừa rồi. Một lát sau, chắc chắn con sẽ tự hết quấy khóc.
Khi con nói dối
Nhiều mẹ sẽ tức giận, la mắng ngay:” Tội này là phải đòn thật đau!”. Nhưng hãy cố gắng giữ bình tĩnh nhé vì các mẹ phải hiểu rằng, con nói dối cũng chỉ để không muốn mình phải lo lắng hay chính con sợ hãi điều gì đó.
Không đánh nhưng cần có một hình phạt
Tôi vẫn phạt con để con hiểu đó là đức tính xấu và không muốn con sau này tái diễn lẫn nữa. Tôi bắt con khoanh tay và hứa không được nói dối nhiều lần để con ghi nhớ về việc mình đã làm. Nó hữu ích hơn nhiều việc cầm cái roi quất vào mông con trẻ, không tốt cho cả thể chất và tâm lý của con.
Không nói dối trước mặt con
Đơn giản vì ở độ tuổi này, con luôn học hỏi và bắt chước mọi thứ xung quanh. Nếu thấy bố mẹ nói dối, con sẽ mặc định là hiển nhiên và bình thường. Vì vậy tuyệt đối các mẹ không nói dối khi có con ở bên nhé. Không lấy đâu xa, bản thân tôi có lần đã nhắc nhở con vì tội nói dối nhưng con đã biện minh: “Thế sao bà giục mẹ đi ngủ, mẹ lại bảo là ngủ rồi. Con vẫn thấy mẹ ngồi ở đó mà.” Khi ấy tôi mới hiểu ra vấn đề.
Biết là “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng các bà mẹ hiện đại hãy sử dụng những cách thông minh để nuôi dạy con mình. Hãy để bầu không khí gia đình tràn ngập tiếng cười, sự ngoan ngoãn vâng lời của trẻ nhỏ, chứ không phải là những tiếng la hét, quát mắng con sau mỗi lần đi làm về. Chúc các mẹ thành công nhé!
Theo Khám Phá