Câu chuyện về người mẹ giúp con khỏi đái dầm
Mới đây, cư dân mạng Trung Quốc đã lan truyền câu chuyện về cách ứng xử hoàn hảo của một bà mẹ tên Hải Quỳnh khi phát hiện con gái 10 tuổi của mình bỗng nhiên đái dầm. Cô bé này đã ngừng làm ướt giường từ khi 2 tuổi nhưng trong thời gian gần đây bỗng nhiên đái dầm trở lại.
Điều này khiến Hải Quỳnh lo lắng, cảm thấy bối rối và biết được rằng việc con gái của mình đái dầm khi đã 10 tuổi là rất bất thường. Cô tự hỏi bản thân không hiểu bé gái có bị kích thích gì không hay là bị mắc một căn bệnh nào đó. Hải Quỳnh quyết định trao đổi trực tiếp với con. Con gái Hải Quỳnh cũng xấu hổ với hành động của mình và nói với mẹ: 'Mẹ ơi, con xin lỗi'. Cô trả lời con mình: 'Không sao đâu, thỉnh thoảng làm ướt giường cũng không có gì to tát cả. Con chỉ cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ thôi. Nhưng gần đây con có gặp rắc rối gì không'.
Sau khi nói chuyện kỹ lưỡng, Hải Quỳnh biết được rằng nguyên nhân khiến con gái mình bỗng nhiên đái dầm là vì gần đây bé mới chuyển trường, gặp gỡ giáo viên và bạn học mới nhưng không biết cách nào để hòa nhập. Ngoài ra, lần thi gần đây nhất bé cũng chỉ được 80 điểm, trong khi bình thường số điểm phải là 100. Con gái Hải Quỳnh lo lắng vì điều này có thể làm cha mẹ bực tức.
Biết được nguyên nhân sự việc, Hải Quỳnh cảm thấy tủi thân, tự trách mình quá bận rộn với công việc mà không để ý đến những thay đổi cảm xúc của con khi chuyển trường. Rất may mắn là cô phát hiện kịp thời và kiên nhẫn an ủi con. Hải Quỳnh cũng dành nhiều thời gian bên con hơn, đưa ra những lời khuyên đến bé. Kể từ đó, con gái của cô đã hòa nhập được với môi trường mới và không còn đái dầm hàng đêm nữa.
Theo các chuyên gia, phương pháp của Hải Quỳnh khi phát hiện con đái dầm là rất hợp lý và rất đáng học hỏi. Thứ nhất, cô không trách mắng con bừa bãi. Thứ 2, Hải Quỳnh không tỏ ra căng thẳng hay không hài lòng trước mặt con mà nhẹ nhàng an ủi, hiểu được lý do đằng sau hành động của con.
Trên thực tế, khi lớn lên, hệ thống thần kinh và khả năng kiểm soát bàng quang của trẻ cũng mạnh mẽ hơn và chứng đái dầm ban đêm sẽ giảm dần. Tuy nhiên, có thể vì những rối loạn tâm lý mà con bỗng dưng lại đái dầm trở lại dù đã lớn. Việc này đòi hỏi bạn phải tìm hiểu nguyên nhân thực sự và đưa ra cách giải quyết đúng đắn.
Kiến thức cơ bản về việc đái dầm của trẻ
Trẻ em đái dầm có bình thường không?
Theo các chuyên gia, trẻ em có thể tự kiểm soát việc đái dầm ở các giai đoạn khác nhau:
- Trẻ từ 1-2 tuổi, hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện nên chưa thể tự điều khiển việc đi tiểu của mình.
- Trẻ từ 2-3 tuổi, hơn một nửa trẻ em có thể tự kiểm soát được việc đi tiểu và lượng nước tiểu của mình. Tuy nhiên, ở độ tuổi này việc kiểm soát chứng tiểu đêm của con còn tương đối kém.
- Đến thời điểm 4 tuổi thì 80% số trẻ em đã có thể kiểm soát tốt chứng tiểu đêm.
- Trẻ em từ 4 tuổi trở lên hầu như đã kiểm soát được việc đi tiểu và nhìn chung phần lớn trẻ em bình thường đã kiểm soát được chứng tiểu đêm sau 5 tuổi.
Tuy nhiên, có không ít trẻ em sau 5 tuổi vẫn đái dầm và nếu con gặp tình trạng này thì cha mẹ cần chú ý. Các chuyên gia cho biết với trẻ trên 5 tuổi, không mắc bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương, đái dầm khi ngủ ít nhất 2 tuần 1 lần và kéo dài tình trạng này liên tục trong 3 tháng trở lên thì là có vấn đề. Cha mẹ cần thay đổi thói quen sinh hoạt của bé, không cho con uống nước trước khi đi ngủ 2 tiếng để giảm thiểu tình trạng kể trên. Còn nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà con vẫn tiểu đêm thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm hiểu vấn đề.
Làm thế nào để giảm chứng đái dầm của bé
Để giảm chứng đái dầm của bé, các chuyên gia khuyên bạn nên có những biện pháp phù hợp, tránh la mắng vì sẽ ảnh hưởng nặng nề đếm tâm lý con.
Trước khi con đi ngủ 2 giờ, bạn không được cho bé uống sữa và nước. Đồng thời, cha mẹ cũng cần khuyến khích, nhắc nhở trẻ đi vệ sinh trước khi ngủ vào ban đêm để hình thành thói quen.
Đồng thời, khi con không đi tiểu đêm thì cha mẹ nên tích cực động viên, khen ngợi. Ngược lại, nếu con đái dầm thì cha mẹ cũng cần nhẹ nhàng khuyên bảo, tránh la mắng bé quá mức vì điều này chẳng có ích gì.
TiTi (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)