Khi con đến tuổi dậy thì, nhiều bố mẹ lo lắng tìm đọc sách báo, tìm hỏi các chuyên gia để có cách dạy dỗ con cái đi đúng hướng. Có những bố mẹ còn cảm thấy bất lực khi con rời xa mình, thường xuyên cãi lại, không muốn nghe bố mẹ dạy.
Mới đây, anh "Chánh Văn" - nhà văn Hoàng Anh Tú đã bàn luận về cách dạy con ở tuổi dậy thì: "Khi cha mẹ cũng "khủng hoảng dậy thì". 12 năm làm Chánh Văn, đối diện với hàng vạn câu hỏi của cái lũ đang ở tuổi dậy thì, tôi cũng gọi là đủ chút vốn liếng khi đối thoại, trả lời cho những đứa trẻ hay hỏi ấy. Khi lũ trẻ đó lớn lên và bây giờ đều trở thành những người cha, người mẹ có con cái vào tuổi dậy thì thì một lần nữa, tôi lại đối thoại với họ, ở phiên bản đã thành cha mẹ. Tôi nhận ra rằng mỗi chúng ta đều phải trải qua 2 giai đoạn "khủng hoảng dậy thì". Giai đoạn 1: Khi chúng ta là những đứa trẻ đến tuổi dậy thì. Giai đoạn 2: Khi chúng ta có con cái đến tuổi dậy thì.
Với khủng hoảng dậy thì ở giai đoạn 1 thì sách báo đã nhiều rồi. Chỉ là khủng hoảng dậy thì ở giai đoạn 2 thì chắc tại tôi là “anh Chánh Văn” nên tôi bị hỏi nhiều hơn. Đến mức tôi đã đủ tư liệu để lên một dự án xuất bản cuốn sách viết về khủng hoảng có con ở tuổi dậy thì của các bậc cha mẹ. Bởi tôi đã nhận được hàng trăm bức thư tâm sự của các bậc cha mẹ về việc con họ thay đổi thế nào khi bước vào tuổi dậy thì, rằng họ đã vật lộn ra sao trong giai đoạn này, hàng trăm câu hỏi cho thấy cha mẹ cũng khủng hoảng không kém gì con cái họ.
Nào là con bắt đầu chỉ cho cha mẹ thấy cái lưng của chúng, những tiếng đóng cửa cái rầm, những phản ứng dữ dội của con hay cả sự đối đầu chứ không chịu đối thoại, những đối phó thay vì đối diện, bật lại cha mẹ tanh tách, càng cấm chúng càng làm… Cha mẹ bất lực trước con cái. Rồi chuyện tự do dân chủ chống đối không chỉ sự áp đặt mà còn cả những lời hay lẽ phải của cha mẹ.
Nhiều cha mẹ đã mất kiên nhẫn để nhẹ nhàng khuyên giải như sách báo viết. Nhiều cha mẹ khóc tu tu như một đứa trẻ khi họ có cảm giác mất kết nối với con cái. Lại có những cha mẹ nhất quyết từ bỏ việc dân chủ với con vì dân chủ của tụi nó là “cha mẹ bằng tuổi con thế nào sao bắt con phải thế này hay thế nọ?”.
Dân chủ của tụi mới lớn có nghĩa là cha mẹ phải tôn trọng quyền của tụi con. Học hành cả ngày rồi cũng phải để con giải trí chứ (học 1 tiếng - giải trí 3 tiếng). Tệ hơn, nhiều đứa trẻ bắt đầu yêu từ khi “nứt mắt” ra. Hôm trước tôi còn xem được cái clip một cô bé lớp 5 nói về việc “phiền phức vì bị nhiều cậu bạn trong lớp theo đuổi, nói yêu”. Rồi những đứa trẻ lớp 6 đã bắt đầu trang điểm, những “confession” của tụi cấp 2 nồng nặc mùi yêu đương. Cha mẹ thời của chúng ta chắc cũng đã có khủng hoảng như vậy nhưng khi chúng ta đang làm cha mẹ ở thời nay sự khủng hoảng có vẻ trầm kha hơn. Bởi lũ trẻ thời nay khác chúng ta hồi bằng chúng lắm. Chúng đòi hỏi quyền trẻ em nhiều hơn, chúng có kiến thức nhiều hơn (để tranh luận), chúng có nhiều nguy cơ hơn (mạng xã hội, điện thoại thông minh, những hội nhóm kín…) và quan trọng nhất: Chúng ta yêu con cái, lo cho con cái nhiều hơn thời cha mẹ chúng ta (thời đó lo cái ăn cái mặc đủ mệt rồi).
Vậy, cha mẹ làm sao để vượt qua khủng hoảng dậy thì lần 2 này? Không thể dùng kinh nghiệm của cha mẹ mình đã từng đối xử thế nào với mình khi xưa được. Vì mỗi thời mỗi khác. Kiến thức trong sách vở hay trên mạng nhiều khi cũng năm bài bảy ý. Nếu tìm được một bài đúng ý chứng tỏ cha mẹ ấy tổn hao nhiều tâm sức google lắm. Xử trí thế nào cho chuẩn, cho hợp lý, cho vào khuôn phép thực sự nan giải lắm. Bởi mỗi đứa trẻ đều có những phản ứng khác nhau. Chuẩn với đứa này chưa chắc đã đúng với đứa khác. Nhiêu khê lắm thay.
Vấn đề nằm ở chính các bậc cha mẹ, tôi nghĩ vậy, đó là thứ mà nhiều cha mẹ quên mất khi chỉ chăm chăm đi kiếm cách trị con mà quên cách sửa mình. Là bởi chúng ta đôi khi để yêu thương choán hết tâm trí. Chúng ta lo lắng khi con cái không chịu đối thoại với chúng ta, cảm giác bị chúng gạt ra ngoài. Chúng ta sợ đủ thứ và tự vẽ ra đủ thứ sợ hãi. Dù có khi con chúng ta còn chưa nghĩ đến. Kiểu khi con hỏi: Con phải trả lời khi được hỏi về chuyện chăn gối thế nào nhỉ? Cha mẹ bắt đầu nghĩ đến thuốc tránh thai, nghĩ đến bao cao su, nghĩ đến lừa đảo qua mạng, nghĩ đến tình yêu vượt quá giới hạn, nghĩ đến đủ thứ kinh dị. Trong khi thứ con hỏi chỉ là giới tính Nam hay Nữ trong bản khai. Là đôi khi, nỗi lo lắng đã dẫn chúng ta vào mê cung của chính chúng ta đặt ra. Chưa kể báo chí luôn kể những câu chuyện triệu view về nguy cơ rình rập con cái chúng ta.
Chuyên gia khuyên các bậc phụ huynh nên làm bạn, tôn trọng, tin tưởng con.
Tôi nghĩ cha mẹ cần phải sửa trị mình trước.
1. Đặt lòng tin vào con mình. Đừng chỉ nói bố mẹ tin con nhưng con nói gì bố mẹ cũng hoảng hốt lo lắng, sợ con sai đường khi con nói vậy.
2. Tôn trọng con là tôn trọng cả những suy nghĩ khác biệt trong con. Trân trọng những câu hỏi hay suy nghĩ của con và cùng con thảo luận chúng thay vì áo mặc sao qua khỏi đầu, bố mẹ từng này tuổi phải khôn hơn con.
3. Tập làm quen với việc chỉ nhìn thấy lưng con, bởi chúng cần phải đi trước bố mẹ chứ không phải luôn đi sau bố mẹ. Chúng cần có một thế giới riêng để có chân trời riêng. Miễn sao bạn luôn nhìn thấy lưng chúng chứ không phải mất hút chúng. Tập buông tay để con lớn, nếu có giữ, hãy là người giữ dây diều chứ đừng giữ cả con diều. Nhớ lại cách thả diều đi, để học cách buông tay cho con bay.
4. Xây dựng nguyên tắc - kỷ luật dựa trên nguyên tắc đã được thống nhất chứ đừng kỷ luật theo cảm xúc nữa. Là cái gì không cấm thì được làm chứ đừng là làm gì cũng cấm hoặc mỗi ngày thêm một điều cấm.
5. Học cách thừa nhận hoặc chấp nhận. Thích ứng an toàn thay vì chiến lược Không - Được - Sai. Quản lý rủi ro chứ đừng chỉ chăm chăm Ngăn chặn rủi ro.
6. Định hướng tương lai chứ đừng Vẽ hay sắp đặt tương lai. Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy những cuộc trò chuyện hàng ngày với các con về tương lai của cả nhà, của con luôn là câu chuyện thú vị nhất trong nhà tôi. Con nghĩ gì về tương lai chính là những gì con đang nghĩ trong hiện tại. Chúng ta có thể căn chỉnh hiện tại với những tương lai mà con đang nghĩ. Giống như việc xây dựng mục tiêu vậy".
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)