Tuy nhiên, những đứa trẻ hay “cãi lời” (hay còn gọi là “thích cãi lại”) không hẳn là tiêu cực. Ngược lại, so với những đứa trẻ luôn im lặng nghe lời, thì trong dài hạn, có thể sau 20 năm sự khác biệt giữa 2 nhóm trẻ này là rất rõ rệt.
Vậy, trẻ hay cãi có gì đặc biệt?
1. Trẻ hay cãi chứng tỏ cha mẹ có lối giáo dục cởi mở
Một đứa trẻ dám “cãi lời” là dấu hiệu cho thấy cha mẹ không dùng biện pháp hà khắc để đàn áp suy nghĩ của con. Nếu mỗi lần con cãi lại là bị mắng chửi hoặc đánh đập, trẻ sẽ dần dần trở nên im lặng, sợ hãi và mất khả năng phản biện.
Một đứa trẻ dám cãi là dấu hiệu cho thấy cha mẹ không dùng biện pháp hà khắc để đàn áp suy nghĩ của con
Thực tế, giáo dục bằng sự sợ hãi là cách giáo dục tàn nhẫn nhất, vì nó tạo ra những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát, dễ bị bắt nạt ngoài xã hội và không biết cách tự bảo vệ quyền lợi cá nhân.
2. Trẻ hay cãi thường có tư duy đàm phán và biết bảo vệ lợi ích bản thân
Những đứa trẻ thích cãi thường có khả năng ngôn ngữ tốt, biết nắm bắt điểm yếu trong lập luận của người khác và biết “tranh thủ” thương lượng với cha mẹ để đạt được điều mình muốn. Đây là kỹ năng đàm phán rất quan trọng trong xã hội hiện đại.
Không chỉ vậy, những trẻ như vậy thường tự tin, hoạt bát, sáng tạo, và có kỹ năng xã hội cao – điều giúp trẻ dễ kết bạn và hòa nhập trong môi trường tập thể.
3. Trẻ biết cãi có chính kiến và lập trường rõ ràng
Trẻ biết cãi là những đứa trẻ có chính kiến, có tư duy logic rõ ràng, và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình một cách có lý lẽ. Trong quá trình tranh luận, cha mẹ có thể bị thuyết phục và chấp nhận làm theo ý kiến của con, hoặc ngược lại, con sẽ hiểu và “tâm phục khẩu phục” theo lời cha mẹ.
Chính vì vậy, trẻ sẽ chủ động hơn trong hành động và có trách nhiệm hơn với quyết định của mình – một kỹ năng vô cùng cần thiết khi trưởng thành.
Cha mẹ nên ứng xử thế nào khi con cãi lại?
1. Nhắc nhở trẻ về thái độ và cách diễn đạt
Khi trẻ nổi nóng và lớn tiếng, cha mẹ nên nhẹ nhàng nói: “Con nói nhỏ lại một chút, nói rõ ràng điều con muốn.” Điều này thể hiện rằng cha mẹ tôn trọng quyền được nói của con, nhưng cũng dạy con biết cách trình bày ý kiến một cách lịch sự và có kiểm soát.
2. Kiểm soát cảm xúc bản thân, làm gương cho trẻ
Phụ huynh nóng giận, trẻ cũng dễ mất kiểm soát. Nếu cha mẹ giữ bình tĩnh, nói chuyện hòa nhã, thì trẻ cũng sẽ học theo và dần hình thành thói quen trao đổi thay vì cãi vã.
3. Cho trẻ quyền cãi, nhưng không buông lỏng nguyên tắc
Cho phép con cãi không có nghĩa là để con hỗn láo hay vượt ranh giới. Trong những vấn đề nguyên tắc – cha mẹ cần giữ vững lập trường để dạy trẻ hiểu về luật lệ, sự tôn trọng và phép tắc. Trẻ cần học cách biết lý, biết lễ, biết chừng mực, thì sau này ra xã hội mới được tin tưởng và giao phó trọng trách.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)