Không phải là trẻ không thông minh, chỉ là lười học mà thôi
Vài ngày trước, bạn bè tới nhà chơi. Khi nhắc tới chuyện con cái lên cấp hai, cô ấy nói bản thân cực kỳ lo lắng, tuy khoảng thời gian này là nghỉ hè, nhưng cô lại không thể thư thái, nhẹ nhõm được, liên tục mất ngủ, rụng tóc, tất cả đều là vì chuyện học hành của con trai cô – bé Hiên Hiên. Hóa ra, năm nay thi lên cấp hai, kết quả thi của Hiên Hiên không được khả quan, 3 môn học chính là Ngữ văn 6 điểm, Toán 8 điểm và tiếng Anh 6 điểm.
Trong ấn tượng của tôi, Hiên Hiên vẫn luôn là một đứa trẻ vô cùng thông minh, điểm số như vậy thực sự khiến tôi vô cùng bất ngờ. Tôi nhớ là tiếng Anh và Ngữ văn của Hiên Hiên rất tốt cơ mà sao lần này thi lại xấp xỉ ngưỡng trung bình thế? Bạn tôi than thở trong ngao ngán: "Lười, đều là tại vì lười. Từ mới, ngữ pháp đều phải học thuộc, nhưng cả ngày nó không kiên nhẫn học, cứ ngồi được 10 phút là lại chạy ra ngoài chơi, nói nó một câu là nó cãi lại 3 câu, tức chết đi được”.
Nghe bạn kể xong, trong đầu tôi hiện lên 4 chữ: Lười quá hóa đần.
Trước đây từng có một vị giáo viên chủ nhiệm đã có tuổi nghề hơn 20 năm nói rằng: Cùng với sự tăng cấp của các cấp học, học hành ngày càng không phải là một việc chỉ cần dựa vào IQ là có thể xử lý được.
Tôi từng chứng kiến một đứa trẻ ban đầu dựa vào trí thông minh của mình mà học hành rất tốt, nhưng vì lười biếng trong thời gian dài, không có nghị lực và thói quen học tập tốt, cuối cùng gây ra “lười quá hóa đần”. Tôi cũng đã từng thấy những đứa trẻ ban đầu thành tích học tập không được vượt trội, nhưng vì có nghị lực và thói quen học tập hiệu quả mà đã vượt qua giai đoạn khó khăn, càng ngày càng tự tin, cuối cùng đã vượt xa dự tính của thầy cô và cha mẹ.
Những hiện tượng như thế này xuất hiện ngày càng nhiều xung quanh chúng ta, suy cho cùng, nguyên nhân không phải là do trẻ không thông minh, mà là vì lười. Đa số IQ của mọi đứa trẻ đều ở cùng một mức độ, thứ thực sự tạo ra khoảng cách chênh lệch giữa người với người chính là sự khắc khổ và cần cù. Nếu một người học hành lười biếng, lười tư duy, không chăm chỉ nghiêm túc, cuối cùng chỉ có thể tự chịu, tự hủy hoại tiền đồ của mình.
Vào năm học mới, các phụ huynh nhất định phải cảnh giác con cái “lười quá hóa đần”. “Cấp hai lười học, cấp ba thành dốt, lười quá hóa dốt nên đáng đời bị trượt”. Câu nói này quả thực vừa chân thực lại vừa khiến người ta thấy cay đắng. Lười biếng là một thói quen xấu, nó sẽ khiến trẻ ngày càng cảm thấy vất vả trong việc học, cuối cùng dần dần quật ngã ý chí của trẻ, thậm chí là từ bỏ sự nghiệp học hành.
Thi cử xong, khi phụ huynh hỏi con cái mình tại sao lại làm sai câu này, đa số trẻ sẽ theo quán tính mà nói rằng: "Câu này con biết làm, chỉ là do chủ quan, cẩu thả nên làm sai thôi". Vì chủ quan, cẩu thả nên nhớ nhầm công thức, tính sai đáp án. Vì không cẩn thận, đọc nhầm đề, nên làm đáp án sai. Vì không cẩn thận, tính trên nháp thì đúng, nhưng lúc chép vào bài thi thì viết nhầm.
Trong mắt cha mẹ, con cái mình mỗi ngày đều đi sớm về muộn, làm bài tập, thành tích lại chẳng thấy nâng cao chút nào. Lúc này, phụ huynh cần phải suy nghĩ nhiều hơn, nguyên nhân của việc “bình thường đều làm đúng, cứ đi thì lại làm sai” liệu có phải là vì trẻ đang giả vờ chăm chỉ để che giấu sự lười biếng của mình, dùng sự cẩu thả, chủ quan làm cái cớ?
Một giáo viên có 14 năm tuổi nghề đã tổng kết ra 2 kiểu lười biếng của trẻ:
1. Lười động chân tay: Những học sinh kiểu này có biểu hiện chính là lên lớp không thích ghi bài, thích dùng mắt, dùng não để nghĩ, lúc đi thi thường cẩu thả, chỉ nghĩ và viết sơ sài.
2. Lười động não: Học sinh kiểu này chỉ biết ghi chép, làm bài một cách máy móc, không biết nghiền ngẫm, không suy nghĩ, không chuyên tâm.
Giống như Michael Sandel từng nói: “Bản chất của việc học không phải là nhớ được những kiến thức nào, mà là việc nó kích thích bạn tư duy”. Nếu thống nhất việc học hành và tư duy lại thì có thể tránh được việc trẻ chỉ nghĩ mà không học, tránh được việc những thứ mình nghĩ thành suy nghĩ hão huyền, ảo tưởng. Chăm chỉ chất lượng thấp không bằng chuyên tâm chất lượng cao, chuyên tâm suy nghĩ, tư duy là bí quyết thành công để ghi nhớ, tiêu hóa, kiến thức.
Những đứa trẻ chuyên tâm học hành, ở chúng đều có những đặc điểm sau:
1. Chăm chỉ ôn tập lại bài vở, kiến thức: Trước khi ngủ sẽ ôn lại một lượt tất cả những kiến thức đã học trong ngày.
2. Từ chối việc trì hoãn: Mỗi ngày đều đặt ra thời gian hoàn thành nhiệm vụ học tập trong ngày.
3. Chú trọng tích lũy: Chăm đọc sách, viết nhật ký, trau dồi từ vựng, học những câu hay.
4. Thường xuyên đặt câu hỏi: Lên lớp nghe giảng, tan học đặt câu hỏi, chủ động phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề.
Học tập chẳng bao giờ có đường tắt, mỗi bước một vết chân mới có thể dần dần leo lên đỉnh núi được. Thành tích không biết nói dối, nếu như thời gian bỏ ra và thành tích tỉ lệ nghịch với nhau, các bậc phụ huynh cần phải suy ngẫm lại rằng liệu con mình có đang ở trạng thái chăm chỉ giả vờ hay không. Nhanh chóng giúp con mình thoát khỏi vỏ bọc chăm chỉ giả vờ ấy mới có thể trở nên tài giỏi hơn trong học tập.
Có câu nói: “Tham ăn lười làm là chuyện thường tình. Chính vì là chuyện thường tình nên con người mới cần phải đốc thúc, yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân mình”. Việc quản lý, giáo dục con cái một cách hợp lý của phụ huynh sẽ giúp con mình chăm chỉ phấn đấu thực sự chứ không phải giả vờ. Nếu phụ huynh cứ thỏa hiệp vô điều kiện thì sẽ chỉ khiến con cái ngày càng lười biếng.
Vài ngày trước tôi có đọc được một bài viết của tác giả mạng Trung Quốc Lưu Tiểu Niệm khiến tôi có ấn tượng sâu sắc: Một người tên Tử Cát sinh ra trong một gia đình bình thường đã thi đỗ trường đại học trọng điểm ở Quảng Châu. Sau khi tốt nghiệp thì tối không ngủ, sáng không chịu dậy, không tìm được việc lại trách môi trường việc làm không tốt. Sau đó cậu đi thi công chức, thi trượt lại nói đề thi không sát đề cương.
Cha mẹ cậu lại sốt ruột đi nhờ cậy quan hệ, khó khăn lắm mới kiếm được cơ hội cho cậu thực tập ở ngân hàng, cậu ta lại chê công việc đó không có chút kỹ thuật nào, không khớp với chuyên ngành mà cậu học, từ chối đi làm… Sau vài lần như vậy, cha mẹ Tử Khiết cuối cùng cũng đã hiểu: Thứ cậu thiếu không phải là học lực, mà là tâm thái sống sát với thực tế. Theo tôi thấy, Tử Khiết sau khi trưởng thành đã trải qua nhiều lần thất bại như vậy đều là vì sự lười biếng của bản thân và việc cứ thỏa hiệp hết lần này tới lần khác của cha mẹ cậu.
Trong “Gia huấn nhà họ Nhan” (cuốn gia huấn nổi tiếng thời Nam Bắc Triều của Trung Quốc) có nói: “Nhàn quen thành lười, lười quen thành bệnh”. Những phụ huynh có tầm nhìn xa đều có chút “nhẫn tâm”, họ sẽ kiên quyết từ chối, ép con cái phải chăm chỉ khi chúng muốn lười biếng. Trên mạng xã hội Trung Quốc cũng từng lưu truyền câu chuyện một bé gái học lớp 5, mẹ cô bé đã đặt ra một chuỗi các quy định trong gia đình, đồng thời còn yêu cầu con cái phải tuân thủ kế hoạch học tập một cách nghiêm ngặt và mẹ cô bé cũng sẽ hoàn thành cùng con.
Dần dà, cô bé ngày càng tự giác hơn. Mỗi sáng thức dậy lúc 6h30, tan học về nhà cũng không cần cha mẹ đôn đốc, giám sát mà chủ động làm bài tập, cuối tuần sẽ tự đọc sách và luyện chữ. Trong cuộc sống hiện thực, rất nhiều cha mẹ có thái độ nước đôi, để cho con mình có cơ hội “kì kèo mặc cả”. Kế hoạch học tập mà bản thân đã đặt ra, đừng vì thương con vất vả mà phá vỡ quy tắc, muốn con nuôi dưỡng thói quen học tập tốt thì không thể bỏ cuộc giữa chừng, không được lười nhác mà bỏ qua quy tắc.
Đằng sau mỗi một đứa trẻ ưu tú đều là những bậc phụ huynh có thái độ ôn hòa và yêu cầu nghiêm khắc, họ vừa tôn trọng con cái, cũng vừa khiến chúng không thể phá vỡ giới hạn.
Có người hỏi rằng: Những người lười biếng, sống vật vờ qua ngày trong thời đi học, bây giờ đã trở thành người như thế nào rồi?
Có người trả lời: “Có một công việc không tự do”
Con trai nhà chú tôi, hồi học cấp hai có thành tích cũng khá tốt, mỗi lần thi đều lọt vào top 10 cả khóa. Nhưng hồi năm lớp 11, cậu ấy bắt đầu đắm chìm vào mạng internet, ngày nào cũng sẽ tới quán net chơi game, mất đi hứng thú với học tập, trụy lạc tới thềm thi đại học. Cuối cùng đã thi đỗ một trường cao đẳng với thành tích hơn 300 điểm, học một chuyên ngành mà mình không thích, rồi sau đó tiếp tục sống không mục tiêu trong 4 năm đại học. Sau khi tốt nghiệp, không tìm được công việc chính thức, nhưng vì mưu sinh, cậu buộc phải làm phục vụ bàn tại các quán ăn nhỏ.
Con người không thể nào gọi mà tỉnh được, chỉ có thể bị đau mà tỉnh thôi
Mãi cho tới một lần lao lực quá sức, mệt quá mà ngất đi, cậu mới đột nhiên tỉnh ngộ: Lười học chính là tự đào hố chôn mình, không chịu khó học hành thì sẽ bị cuộc sống áp bức, chèn ép. Là cha là mẹ, hơn ai hết, chúng ta đều muốn con mình sống hạnh phúc, vui vẻ. Nhưng vui vẻ cũng phải tùy từng lúc, nếu như một đứa trẻ buông xuôi việc học hành trong độ tuổi nên học, tham lam hưởng lạc an nhàn trong lúc cần cố gắng thì con đường đời sau này của nó sẽ khó khăn, trắc trở vô cùng.
Hãy nói với con mình, mỗi một cuốn sách bây giờ con đọc, mỗi một kiến thức mà con ghi nhớ đều là để trong tương lai sau này của con có ý chí và sức mạnh bảo vệ cuộc đời của chính mình. Francis Bacon nói: “Thói quen là một loại sức mạnh ngoan cường mà to lớn, nó có thể điều khiển cuộc đời của một người, vì thế con người từ khi còn nhỏ thì nên thông qua giáo dục để bồi dưỡng một thói quen tốt”.
Để tránh trẻ bị rơi vào cạm bẫy của “lười quá hóa dốt”, cha mẹ bắt buộc phải giúp đỡ con mình lập nên ý thức, bồi dưỡng thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ. Bản chất của giáo dục chính là bồi dưỡng thói quen, bắt đầu từ bây giờ, hãy thành lập 4 thói quen tốt bên dưới rồi hãy nói tới chuyện thành tích:
1. Thói quen quy hoạch quy nạp
Học tập không có tính mục tiêu, tham làm bài quá nhiều mà không có mục tiêu, kế hoạch nhất định để cố gắng, kết quả chỉ là công cốc, chẳng có hiệu quả gì. Còn những đứa trẻ học tập hiệu quả đều biết đặt mục tiêu và lên kế hoạch học tập hợp lý cho bản thân, tổng kết quy nạp những kiến thức, tìm ra những điểm yếu trong học tập của mình để tìm ra cách bù đắp, vừa nâng cao hiệu suất học tập lại giúp bản thân thấy nhẹ nhõm hơn.
2. Thói quen tích cực, chủ động
Bất kỳ ai đều không thể học thay bạn được, gặp phải vấn đề không hiểu hãy hỏi thầy cô giáo, hỏi bạn học. Điều kiêng kỵ nhất trong học tập là không hiểu nhưng giả vờ hiểu, hiểu nửa vời, như vậy chỉ có hại chính mình. Vì thế, cha mẹ cần phải khuyến khích con cái thường xuyên đặt câu hỏi, chăm ghi chép, luyện tập. Chủ động học có thể khiến trẻ ngày càng tự tin hơn, thành tích mới ngày càng tốt lên.
3. Thói quen tự kiểm tra
Kiểm tra là một kiểu tự kiểm điểm lại chính mình, khi cha mẹ kèm con học bài đừng để trẻ làm bài xong lại lập tức đưa bài cho cha mẹ kiểm tra, mà hãy để trẻ tự mình kiểm tra lại một lần. Nếu như trẻ thực sự vì cẩu thả mà làm sai có thể tự kiểm tra ra, như vậy sẽ có lợi cho việc trẻ tự kiểm điểm lại nguyên nhân cẩu thả của mình, nhưng nếu như bản thân trẻ không nhận ra, vậy thì có lẽ là chưa hiểu rõ kiến thức, khi sửa lại bài cho trẻ cần chú ý điểm này để rèn luyện trẻ.
4. Thói quen quản lý thời gian
Việc hôm nay chớ để ngày mai. Những đứa trẻ lười nhác, trì trệ cao su giờ giấc sẽ khiến việc học tập và cuộc sống thành một mớ hỗn độn, cho dù là việc lớn hay việc nhỏ, cha mẹ đều có thể giúp đỡ con mình dùng đặt ra một giới hạn thời gian rõ ràng, đốc thúc con cái hoàn thành nhiệm vụ trong ngày. Ngoài ra, trong cuộc sống thường ngày cũng cần phải liên tục nhắc nhở trẻ chuyện gì cũng nên chuẩn bị hoặc làm trước 5 - 10 phút, để trẻ ngầm nuôi dưỡng thói quen đúng giờ, không cao su.
Nhà văn Đồng Hoa từng nói: “Cuộc đời con người là quá trình hy sinh và thu hoạch không ngừng. Trong quá trình này sẽ dần dần hình thành hai kiểu người, một kiểu vì cố gắng mà thành công, kiểu còn lại là vì lười nhác mà thất bại”. Cho dù bạn có tài năng thiên bẩm cao đến mấy, nếu bạn không yêu cầu nghiêm khắc với bản thân thì cũng sẽ tụt dốc. Cho dù bạn sinh ra bình thường, không nổi bật, chỉ cần bạn không buông xuôi, không phóng túng cho sự lười nhác của mình, luôn giữ thái độ cần cù, chăm chỉ, cho dù mỗi ngày chỉ cố gắng một chút thì bạn đều sẽ có thể leo lên đỉnh dốc.
Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)