Trong cuộc sống, có nhiều thói quen khiến bạn càng ngày càng trở nên “ngu ngốc”. Một thí nghiệm của các nhà khoa học đã chứng minh điều đó: Họ cho một con cá lớn vào trong bể có rất nhiều con cá nhỏ. Mỗi khi con cá lớn đói bụng, nó liền bắt những con cá nhỏ để ăn, và không một con cá nhỏ nào có thể thoát khỏi “sự tàn nhẫn” đó. Một thời gian sau, các nhà khoa học đã dùng một chiếc bình thủy tinh chụp lên con cá lớn ấy và thả rất nhiều cá con vào trong bể. Như thông lệ, mỗi lần đói, khi nhìn thấy những con cá nhỏ bơi quanh bình, cá lớn sẽ nhào lên để cắn chúng, nhưng mỗi lần lao ra, nó lại đâm đầu vào thành bình. Lâu dần, con cá lớn đã hiểu được điều này và tần suất nó đâm đầu vào bình càng ngày càng ít đi. Cuối cùng, nó hoàn toàn tuyệt vọng và “buông tha” cho tất cả những con cá nhỏ đó. Nhưng một điều đáng ngạc nhiên hơn là khi các nhà khoa học bỏ chiếc bình đang chụp lên con cá lớn ra thì con cá lớn này đã chìm xuống đáy và không hề nhúc nhích. Ngay cả khi những con cá nhỏ bơi tới gần nó, thậm chí là đến trước miệng nó, nó cũng không hề nhúc nhích. Cuối cùng, nó đã chết vì đói.
Hiện tượng trên gọi chung là “thói quen có tính ngu xuẩn”. Rất nhiều trẻ em trong quá trình học tập, sẽ bởi vì một nguyên nhân nào đó mà dần dần sản sinh ra một loại suy nghĩ nghi ngờ về khả năng học tập, phủ nhận năng lực của bản thân, thiếu tự tin dẫn đến cảm thấy mình “ngu ngốc”. Thực tế cho thấy nếu trong cuộc sống, cha mẹ hay dùng những hành động, lời nói và thói quen khiến trẻ cảm thấy mình thật kém cỏi thì cũng giống như đang chụp một cái bình mang tên “ngu dốt” vô hình lên trẻ. Từ đó, đẩy trẻ tới bờ vực của sự “ngu ngốc hơn”. Hãy cùng nhau tìm hiểu những nguyên nhân khiến trẻ phát triển chậm, tự ti về bản thân và ngày càng trở nên “ngốc nghếch”.
Dạy kiến thức quá sớm, bỏ qua cảm thụ riêng của trẻ
Một số cha mẹ vì muốn con không thua kém bạn bè ngay từ khi còn nhỏ nên thường có thói quen dạy con trước tuổi. Khi con cần được khám phá, vui chơi thì cha mẹ bắt con phải tham gia các lớp năng khiếu, tiếng anh,... và thường đặt ra những mục tiêu cao hơn khả năng của con. Một khi trẻ không có năng lực đạt được kết quả cao, trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ với cha mẹ, thất vọng và càng ngày càng tự ti về bản thân.
Cha mẹ thức khuya, không có thói quen học tập
Nếu cha mẹ không thích đọc sách, không thích việc học tập và làm việc thì thật khó để bồi dưỡng cho con những thói quen này. Nếu cha mẹ mải xem ti vi, xem điện thoại không đi ngủ đúng giờ, trẻ sẽ bắt chước theo và không có một giấc ngủ khỏe mạnh. Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của não trẻ, khiến các tế bào não suy yếu, kém linh hoạt, không phát triển. Dần dần, khiến một đứa trẻ dù thông minh cũng trở lên đần độn.
Thường xuyên la mắng và dùng vũ lực với trẻ
Khi trẻ mắc phải một lỗi lầm nào đó, nhiều cha mẹ thường giải quyết vấn đề bằng cách quát mắng hoặc thậm chí là đánh trẻ vì họ nghĩ rằng “dạy con bằng bạo lực” là cách giải quyết tốt nhất cho một đứa trẻ không nghe lời. Việc này sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và khép kín mình, hướng nội, không muốn tâm sự chia sẻ cùng ai, rối loạn hành vi và ngôn ngữ, các vấn đề về thần kinh cũng xuất hiện.
Nói những lời tiêu cực với trẻ
Khi một đứa trẻ hoàn thành được một việc gì đó, chúng rất mong chờ những lời tuyên dương, động viên của cha mẹ. Nhưng đôi khi, có thể vô tình hoặc cố ý cha mẹ vẫn dùng những câu nói rằng con mình kém cỏi, ngu dốt, không thông minh khiến trẻ tổn thương như: “Sao bài dễ vậy mà con không làm được!”, “Con học dốt quá!”, “Con không thông minh bằng chị con!”,… Và khi tần suất của những từ này càng ngày càng nhiều thì chúng sẽ khiến trẻ tin rằng chúng thực sự ngu ngốc, hư hỏng.
Cấm trẻ không được khóc
Khi trẻ khóc, đặc biệt là khóc ở nơi công cộng, bản năng của cha mẹ sẽ thường là đe dọa, quát mắng trẻ “nín ngay”, không được khóc. Lý do là vì cha mẹ nghĩ rằng, khi trẻ không khóc nữa thì phiền toái sẽ qua đi và vấn đề sẽ được giải quyết. Nhưng, trên thực tế, cha mẹ không biết rằng khóc chính là một quá trình “tự chữa lành vết thương” của trẻ. Về lâu dài, việc cấm trẻ khóc sẽ khiến trẻ không dám thể hiện cảm xúc, nhất là những cảm xúc tiêu cực. Trẻ sẽ trở nên khép kín, cáu bẳn, thậm chí là mất kiểm soát.
Cha mẹ là người thầy giúp con mình trưởng thành một cách tốt nhất. Để trẻ có một tâm hồn và thể chất khỏe mạnh trong tương lai, cha mẹ nên điều chỉnh những thói quen hành vi không tốt của bản thân mình, dành thời gian cho con nhiều hơn. Bên cạnh đó, điều cha mẹ cần tạo cho con thói quen tự giác học tập, cho trẻ một môi trường sống tích cực, lành mạnh, hướng về phía trước. Đây cũng là cách cha mẹ chuẩn bị tốt các điều kiện để trẻ trở thành một người thông minh, trí tuệ.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)