Dharik Patel và vợ đưa đứa con 5 ngày tuổi của họ đến bệnh viện nhi đồng Alberta ở Calgary, Canada vì bé không chịu ăn. Khi vào bệnh viện, đứa trẻ được cho ăn qua đường truyền dịch tĩnh mạch. Tuy nhiên, gia đình tuyên bố rằng các y tá đã không kiểm tra kỹ lưỡng việc này khiến chất dịch trượt ra và rỉ ở các mô xung quanh. Điều này khiến bàn tay bé xíu của bé bị vỡ loang lổ những vỉ màu vàng dày đặc.
Truyền dịch tĩnh mạch không chính xác sẽ gây tổn hại cho trẻ
"Bàn tay của bé hoàn toàn sưng lên, có chất lỏng chảy ra từ da của bé. Đồng thời, rất nhiều vết bỏng xuất hiện" - Patel đã tuyên bố như vậy với báo chí trong sự tức giận. Ông cáo buộc nhân viên ở bệnh viện đã không chú ý đến con mình. Patel cũng cho rằng nhân viên y tế phải kiểm tra việc truyền dịch tĩnh mạch từng giờ nhưng điều này không xảy ra. Ông cho biết thêm: "8 chuyên gia về chăm sóc sức khỏe đã nhìn con tôi trong khoảng 6 giờ nhưng không ai nhận thấy vết thương của bé. Thật đáng sợ".
Sau khi khiếu nại, cơ quan y tế Alberta đã điều tra vụ việc của Patel. Thật không may, đây là trường hợp thứ 2 của địa phương này gặp phải cùng 1 vấn đề. Vào tháng 1/2018, bàn tay một bé gái 3 tuổi đã bị đau đớn sau khi được truyền cả đêm. Vụ việc xảy ra tại bệnh viên Stollery ở Edmonton.
Bệnh viện cho biết các thương tích khi truyền vào tĩnh mạch là phổ biến
Khi các cơ quan chức năng điều tra, bệnh viện đã tuyên bố sự cố như vậy là phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tiến sĩ Francois Belanger - một nhà chức trách tại bệnh viện nói với báo chí rằng việc truyền dịch tĩnh mạch đi kèm với những thách thức, đặc biệt là đối với trẻ em. Ông giải thích: "Các biến chứng có thể xảy ra với 6% người lớn và 11% trẻ em".
Ông nói thêm rằng bệnh viện đã làm đúng quy trình và họ sẽ giúp đỡ gia đình bằng mọi cách. Belanger cho biết: "Chúng tôi có một quy trình chính thức và đã thực hiện đúng như vậy. Chúng tôi nhìn vào các yếu tố liên quan và sẽ cố gắng ngăn ngừa sự cố tương tự xảy ra trong tương lai. Chúng tôi hiểu được sự thất vọng của gia đình. Chúng tôi đảm bảo rằng con của họ được chăm sóc cần thiết đồng thời xin lỗi về việc chậm trễ trong đánh giá quá trình truyền dịch".
Tác dụng phụ của việc truyền dịch tĩnh mạch ở trẻ em
Không phải tất cả các chất lỏng IV đều giống nhau và có cùng hiệu quả. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên có những hiểu biết cơ bản về loại được truyền cho con bạn. Thông thường, có 3 loại chất lỏng IV:
- Isotonic: có cấu tạo điện phân tương tự máu người
- Hypotonic: có thành phần điện phân thấp hơn máu người
- Hypertonic: có hàm lượng điện phân cao hơn máu người
Tuy theo loại thuốc truyền vào tĩnh mạch, tác dụng phụ có thể là:
- Phù: việc truyền vào tĩnh mạch có thể dẫn đến sự lưu giữ chất lỏng và điều này có thể dẫn đến sưng tấy ở cánh tay, cổ tay, bàn chân và ngay cả trên mặt. Nó thậm chí có thể dẫn đến chấn thương não. Một báo cáo năm 2008 trên Tạp chí Y khoa Australia cho biết: "Quá tải chất lỏng không có định nghĩa chính xác, nhưng các biến chứng thường xuất hiện rất nặng nề".
- Khó thở: quá nhiều chất lỏng có thể gây phù phổi, thở dốc, đau ngực, suy tim.
- Huyết áp cao: Quá nhiều chất lỏng trong cơ thể, huyết áp có thể tăng. Tim sẽ đập nhanh hơn bình thường và bệnh nhân cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Lo lắng: Một bệnh nhân có thể bị thương tích phổi nghiêm trọng nếu hàm lượng natri trong máu leo thang. Điều này có thể dẫn đến lo lắng, lơ đãng, giảm mức độ ý thức.
Với những tác dụng phụ như vậy, hãy hỏi bác sĩ về loại dịch IV mà trẻ được cung cấp. Và bạn cũng nên yêu cầu nhân viên bệnh viện theo dõi kết quả của con thường xuyên.
TiTi (Theo nld.com.vn)