Khi được hỏi: “Bạn sẽ xử lý thế nào nếu con mình có dấu hiệu nhiễm sởi?”, kết quả nhận được gần như chia đều cho 3 tình huống, trong đó 32% ý kiến đồng quan điểm sẽ bình tĩnh theo dõi và chữa theo kinh nghiệm dân gian; 32% ý kiến đồng quan điểm đưa ngay con tới bệnh viện trung tâm; ngoài ra có tới 36% ý kiến cho rằng mời bác sĩ đến tận nhà để điều trị, nhằm tránh tiếp xúc chỗ đông người.
Mỗi một gia đình sẽ chọn cho mình một cách xử trí khác nhau khi con mình mắc bệnh. Điều đó phụ thuộc vào quan điểm, điều kiện kinh tế, địa lý, hơn nữa còn phụ thuộc cả vào kiến thức, hiểu biết và kỹ năng chăm sóc con cái của mỗi ông bố bà mẹ.
Việc lựa chọn hình thức chăm sóc con cái mỗi khi bị bệnh sẽ không nặng về hình thức trong thời buổi thông tin phổ cập như hiện nay. Việc con nhiễm bệnh, nhiều ông bố bà mẹ nôn nóng, muốn con mình phải đến bệnh viện tốt nhất, để được hưởng chế độ chăm sóc tốt nhất. Nhiều người lại lựa chọn cách chăm sóc con ở nhà vì lo ngại nếu đưa con đến viện sẽ bị lây chéo bệnh. Tuy nhiên bằng hình thức nào đi chăng nữa, điều cần thiết nhất ở các ông bố bà mẹ là cần sự bình tĩnh, sáng suốt, hơn nữa cách chăm sóc con ở nhà là một điều các ông bố bà mẹ cần đặc biệt lưu tâm.
Để trẻ trong phòng thoáng khí, đủ ánh sáng và chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý.
Thương con quá, hóa hại con
Trong bài viết này, chúng tôi xin trích dẫn một số trường hợp bị biến chứng sởi đau lòng đã xảy ra, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các bà mẹ khi chăm sóc con mình mắc bệnh:
Một ví dụ điển hình của việc áp dụng kinh nghiệm dân gian trong việc điều trị bệnh sởi một cách thái quá, thiếu khoa học được bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Bệnh viện Nhi Trung ương nhắc tới. Đó là trường hợp bé trai 5 tuổi mắc sởi. Bé được bà nội chăm sóc rất “kỹ”, áp dụng triệt để các biện pháp dân gian để kiêng cữ như: "nhốt" trong phòng kín mít, kiêng nước, kiêng gió, không tắm rửa và đặc biệt với chế độ ăn cực kỳ kiêng khem. Bé chỉ được ăn cơm trắng và thịt thăn kho với muối. Gần một tháng trôi qua, các nốt sởi đã bay mất nhưng bé vẫn không chịu mở mắt. Hai mắt toét nhèm, dính chặt, khi mở ra thì bỗng nghe tiếng "bốp", hai nhãn cầu bắn vọt ra ngoài, để lại hai hố mắt sâu hoắm. Bố mẹ của cháu bé đau xót đến ngất xỉu.
Trường hợp thứ 2 là mời bác sĩ đến nhà cũng được bác sĩ Nhuận kể lại. Đấy là một bệnh nhi 7 tuổi, mắc sởi nhưng gia đình không đưa con đi khám ở viện mà mời bác sĩ về nhà. Nhưng vì được chăm sóc máy móc, và quá “kỹ” trong một căn buồng kín mít, phủ rèm tối om, đóng cửa chặt vì sợ ánh sáng lọt vào nên khi hết sởi, cháu sợ ánh sáng. Bác sĩ cho biết “chỉ chậm một ngày nữa là vứt bỏ đôi mắt của cháu” chỉ vì cách kiêng kem thiếu khoa học của gia đình.
Chăm sóc trẻ bị sởi đúng cách
Để hạn chế được nguy cơ nhiễm bệnh cách tốt nhất cho trẻ hiện nay là các cha mẹ cần cho con đi tiêm phòng đầy đủ; tránh tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi, hạn chế tập trung nơi đông người; nâng cao thể trạng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng; vệ sinh sạch sẽ...
Khi trẻ bị mắc sởi, bố mẹ cần cách ly trẻ khỏi nơi đông người, hạn chế cho trẻ tiếp xúc vì virus sởi có thể từ người trẻ qua nước bọt, hắt hơi, nước mắt, mũi và lây sang người khác.
- Để trẻ trong phòng thoáng khí, đủ ánh sáng, nhưng không quá chói vì mắt trẻ bị sởi nhạy cảm với ánh sáng.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ.
- Vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió.
- Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.
- Ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giầu vitamin đặc biệt là vitamin A.
- Uống đủ nước, nước oresil hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.
- Uông thuốc hạ sốt, giảm đau tùy theo lứa tuổi.
- Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi trẻ bị bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, đều phải có chỉ định của bác sĩ.
giadinh.net.vn