"Bi kịch lớn nhất của cha mẹ không phải là con cái thất bại, mà là dốc cạn tâm sức để rồi chỉ đổi lấy sự vô ơn và phản bội", câu chuyện dưới đây đang được cộng đồng mạng Trung Quốc chia sẻ mạnh mẽ. Đây như một hồi chuông cảnh tỉnh cho cách nuôi dạy con cái trong các gia đình thuộc tầng lớp lao động - những người luôn hy sinh tất cả với mong muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho con mình.
(Ảnh minh họa)
Hệ quả từ sự "bảo bọc không giới hạn"
Trong một đêm khuya, người mẹ nhẹ nhàng gõ cửa phòng con trai, mang theo đôi giày thể thao phiên bản giới hạn mà bà đã chắt chiu cả tháng lương để mua. Bà mong con trai sẽ giữ lời hứa: "Mang đôi giày mới và quay lại trường học". Thế nhưng, đáp lại bà là những lời chửi bới trong lúc cậu chơi game: "Cút đi! Nếu tôi thua thì là do bà làm phiền!"
Trong căn phòng tối nơi phòng khách, người cha lặng lẽ hút thuốc. Khi người vợ nhẹ nhàng nhắc nhở ông đi nghỉ sớm vì lý do sức khỏe, ông bất ngờ bật khóc: "Tại sao chúng ta vất vả đến thế mà lại nuôi ra một đứa con bất hiếu như vậy?".
Khi một đứa trẻ lớn lên với tâm thế của “thế hệ thứ hai giàu có” trong một gia đình bình thường, đó không còn là sự yêu thương, mà là con đường ngắn nhất dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức, thái độ sống và nhân cách (Ảnh minh họa)
Gia đình xuất thân nông thôn, cha mẹ không có bằng cấp cao, chưa từng đi xa quá khỏi tỉnh. Con trai là kết tinh hy vọng sau hai lần mang thai thất bại của người mẹ. Chính vì thế, cậu bé nhận được mọi sự yêu thương và ưu ái.
Ông bà nội sẵn sàng nhịn thuốc men để mua đồ ngoại cho cháu. Ông bà ngoại tự tay nuôi gà, trồng rau để cung cấp thực phẩm sạch. Bất kể con gây lỗi gì, người lớn cũng xuề xòa cho qua.
Đến tuổi đi học, cậu được cho học trường tư đắt đỏ, nhưng kết quả học tập luôn ở mức thấp. Trái lại, cậu thành thạo chơi game và đòi hỏi liên tục từ tiền bạc đến đồ hiệu.
Khi bị nhắc nhở, cậu phản ứng dữ dội: "Tại sao bố mẹ người khác là giám đốc, là quan chức, còn bố mẹ tôi chỉ là lao động chân tay?".
Chuyện không dừng lại ở đó. Cậu bé bị buộc thôi học vì đánh bạn gây chấn thương nặng. Cha mẹ phải chạy vạy tiền bồi thường, cầu xin phía gia đình nạn nhân tha thứ. Trong lúc này, người cha còn bị tai nạn lao động, mất khả năng làm việc nặng.
(Ảnh minh họa)
Cứ tưởng sau cú sốc này, con trai sẽ thay đổi. Thế nhưng, cậu lại càng trở nên vô trách nhiệm, đưa ra hàng loạt điều kiện để trở lại trường: từ giày hiệu, máy tính mới đến khoản tiền tiêu vặt không nhỏ.
"Không cho thì con không học nữa" - một thái độ thách thức được lặp đi lặp lại.
Phân tích của chuyên gia: Yêu sai cách là đang "giết chết" con cái
Khi tâm trạng người mẹ rơi vào tuyệt vọng, bà được một người bạn khuyên tìm đến tư vấn tâm lý. Chuyên gia không chỉ lắng nghe, mà còn kể cho bà câu chuyện nổi tiếng về "cha con nhà họ Bao" - người cha nghèo khổ dốc cạn sức nuôi con ăn học, để rồi đổi lại là sự coi thường và sa ngã của con trai.
(Ảnh minh họa)
Thông điệp mà chuyên gia đưa ra là: "Tình yêu không có nguyên tắc sẽ trở thành chất độc. Khi cha mẹ coi việc chiều chuộng là biểu hiện của yêu thương, họ đang vô tình nuôi dưỡng một đứa trẻ ích kỷ, vô ơn và không có khả năng tự lập".
Chuyên gia đề xuất ba hướng thay đổi rõ ràng:
- Giảm bớt sự đủ đầy về vật chất:
Không thỏa mãn mọi yêu cầu vô lý của con, đặc biệt là những món đồ không thiết yếu. Việc đó giúp trẻ học cách phấn đấu để đạt được điều mình muốn.
- Cắt giảm bảo bọc, để con tự đối diện với hậu quả:
Tuyên bố rõ ràng rằng việc học là của con, bố mẹ không thể và không cần chịu trách nhiệm mãi mãi. Từ đó, rút lui khỏi việc kiểm soát, để con tự cảm nhận hậu quả của lối sống hiện tại.
- Tạo cơ hội để trẻ nếm trải sự gian khổ:
Đưa trẻ đi làm thêm, trải nghiệm cuộc sống lao động thực tế để hiểu giá trị của tiền bạc và sức lao động.
(Ảnh minh họa)
Thực tế cho thấy, sau khi cha mẹ thực hiện các biện pháp trên, cậu con trai dần thay đổi, từ việc tự giác cắt tóc, ăn cơm cùng gia đình, đến việc đồng ý đi làm thêm tại một quán nướng để kiếm tiền.
Giáo dục không chỉ là sự yêu thương vô điều kiện, mà còn là nghệ thuật đặt giới hạn. Chỉ khi cha mẹ biết buông tay đúng lúc, trẻ mới có thể học cách đứng vững trên chính đôi chân của mình.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)