Bên cạnh việc nuôi con khỏe, làm sao để dạy con ngoan, dạy con nên người là một trong những lưu tâm hàng đầu của các bậc làm cha mẹ. Đặc biệt lứa tuổi mẫu giáo là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhân cách ban đầu của trẻ. Những lúc bé bướng bình không nghe lời thì bố mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và những giải pháp hợp lý để dạy con ngoan, biết nghe lời và hạn chế hành vi này của bé.
Hiểu bé
Khi bé la hét và khóc lóc vì không muốn rời khỏi khu vui chơi, nên ôm bé vào lòng và nói là bạn biết rất là khó để về nhà khi con đang chơi vui. Như thế bạn đã cho bé biết bạn thật sự đứng về cùng phía với bé thay vì xem bé là nguyên nhân của mọi rắc rối. Cố gắng đừng nổi giận ngay cả khi bé làm bạn xấu hổ trước mặt mọi người. Nên nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị bảo bé phải đi nếu đã đến lúc.
Cân nhắc trước khi can thiệp
Bố mẹ phải biết cách can thiệp khi cần thiết. Để làm được điều đó bố mẹ nên dành thời gian ngồi lại với nhau và quyết định việc nào là quan trọng. Sau đó, chỉ tập trung vào những vấn đề nào thật sự cần sự chú ý để bảo vệ trẻ. Nhiều mâu thuẫn gia đình không cần thiết để bạn dành thời gian và năng lượng để giải quyết. Chìa khóa để nuôi dạy con thành công là phải biết những vấn đề nào cần xử lý và vấn đề nào có thể bỏ qua. Bằng cách bỏ qua những bất đồng nhỏ, bố mẹ sẽ tạo dựng một môi trường hòa bình và không gian cho trẻ có thể tiếp cận mình khi gặp những vấn đề quan trọng hơn.
Đặt ra nguyên tắc
Một số việc trong nhà phải đặt ra luật rõ ràng, đó là những công việc và cách ứng xử trong gia đình. Những ai vi phạm luật sẽ bị phạt nặng. Bố mẹ nếu lâu lâu vi phạm thì cũng ngoan ngoãn chấp hành một hình phạt nào đó cho trẻ hài lòng vì thấy luật gia đình thật nghiêm minh và công bằng.
Đưa ra lời khuyên, tuyệt đối không ép buộc
Nếu bố mẹ ép buộc trẻ thực hiện, trẻ sẽ vô cùng khó chịu. Nếu việc gì cần ép buộc thì đưa vào luật gia đình.
Kiên nhẫn lắng nghe, đừng tranh luận
Những lúc trẻ bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu nghe lời thì bố mẹ không nên vội vàng cáu giận hoặc ngay lập tức tranh luận, đánh mắng con bởi như vậy chỉ khiến tình hình tệ thêm mà thôi. Tốt nhất, khi ấy, mẹ nên chịu khó lắng nghe và có cuộc nói chuyện nhẹ nhàng với con. Bố mẹ nên thận trọng trong việc giao tiếp, sử dụng giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể.
Bố mẹ hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với con bằng cách hỏi một số câu hỏi như "Điều gì đang làm phiền con vậy?", "Con đang gặp phải vấn đề gì vậy?”, hoặc "Giờ con muốn làm gì?"... Những câu hỏi đơn giản này sẽ giúp trẻ bình ổn lại tâm trạng và biết được mình đang nhận được sự quan tâm từ bố mẹ.
Nhờ sự giúp đỡ của con
Những lúc con không nghe lời mình cũng rất bực mình. Tuy nhiên, mình cũng chưa từng đánh con, mình thường gọi con lại đối diện và hỏi tại sao con không nghe mẹ nói, và nói lại vấn đề mình vừa đề cập với con và tỏ ra không có phương án giải quyết cần con giúp đỡ.
Khi con hào hứng và vui vẻ giúp đỡ mẹ, mình không quên nói lời cảm ơn con và khích lệ con bằng câu nói: "mẹ thật tự hào vì con". Sau đó mình từ từ giải thích cho con thế nào là em bé biết nghe lời, và khi không nghe lời thì bố mẹ sẽ buồn thế nào, hậu quả ra sao.
Hạ Tú (Theo Nld.com.vn)