Ngay từ trong bụng mẹ, bé đã nghe được âm thanh bên ngoài. Khi chào đời, càng tiếp cận với ngôn ngữ nhiều, bé càng nhanh biết nói.
1. Phản hồi với tiếng khóc của bé
Các bé sẽ học giao tiếp thông qua tín hiệu khóc. Trong năm đầu đời, khóc là phần giao tiếp quan trọng ở bé. Bé khóc có thể do mệt mỏi, bị đói, muốn được mẹ chú ý, thích được ra ngoài chơi…
Khi mẹ phản ứng với tiếng khóc của bé, bé sẽ học được cách lắng nghe (nhiều bé chăm chú nhìn vào cử động miệng của mẹ đến quên cả khóc).
2. Tiếp chuyện bé
Bé bắt đầu biết “hóng chuyện” từ rất sớm. Đầu tiên, bé “o,e”, nhìn vào khuôn mặt mẹ và chờ đợi. Nếu bạn “ê, a” đáp lại, bé tiếp tục “o, e” thích thú. Với cách tiếp chuyện đơn giản như thế, cả mẹ và bé sẽ có cơ hội giao tiếp với nhau, đặc biệt, bé sẽ chăm chú để “nhại” theo âm thanh từ mẹ.
3. Coi bé như người bạn
Tức là mẹ dành thời gian giao tiếp với bé một cách tự nhiên và thoải mái. Nên gạt bỏ trong đầu suy nghĩ, bé còn nhỏ, không hiểu gì; thay vào đó, mẹ có thể tâm tình với bé như với một người bạn.
Các bé có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ rất lâu trước khi hiểu ngôn ngữ và biết nói. Càng được sống trong môi trường giàu ngôn ngữ, bé càng nhanh biết nói một cách tự nhiên. Khi bạn trò chuyện với bé, bạn nên ngắt quãng hợp lý để xem xét phản ứng quan tâm từ bé.
4. Ti-vi trở nên không cần thiết
Quảng cáo, ca nhạc, hội thoại…trên Tivi rất thu hút trẻ. Nhiều khi đang khóc chỉ cần nghe tiếng tivi là trẻ sẽ nín. Nhưng không phải tất cả các dạng lời nói, âm thanh đều có lợi cho trẻ. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, ở Seattle (Mỹ) phát hiện trẻ ở độ tuổi từ 8-16 tháng biết ít hơn 6 – 8 từ vựng mỗi giờ/ngày nếu chúng xem các DVD dành cho trẻ nhỏ.
Sự tuần tự tới lui và tương tác xã hội là cần thiết để phát triển ngôn ngữ. Theo tiến sĩ Dr. Hirsh-Pasek thì có nhiều số liệu cho thấy càng đàm thoại với bé nhiều, sự phát triển ngôn ngữ của con càng tiến xa hơn.
5. Mô tả và hướng dẫn bé thực hiện
Khi bé chạm tay vào mũi của mẹ, thử nói với bé: “Đây là mũi của mẹ”; khi mở cửa số, bạn nên hỏi bé: “Con nghe thấy tiếng cửa sổ mở không? Cùng mẹ đẩy cửa ra nào”. Khi bé chạm tay vào vật nào đó, bạn có thể mô tả sự vật để bé hiểu và hứng thú.
6. Tạo ra các cuộc hội thoại
Ngay từ khi mới chào đời, trò chuyện đã giúp ích cho bé. Kể cả khi bé chưa biết nói, bạn cũng nên tạo ra các cuộc hội thoại để bé nghe và trả lời. Ví dụ khi bạn cho trẻ ăn cháo, bạn có thể nói “Cháo ngon không con”. Bé có thể đáp lại “ ư…ư” thì bạn hãy nói “Đúng rồi. cháo ngon lắm”. Sau đó bạn có thể đổi ngay sang các câu hỏi khác mà không cần nói chuyện theo một chủ đề nhất định. Tạo ra các cuộc hội thoại giúp bé phát triển tư duy và cho bé cảm giác bạn quan tâm những gì bé nói. Vì vậy, thay vì bật ti-vi hay DVD cho bé xem, bạn hãy trò chuyện cùng trẻ bất cứ khi nào có thể và về bất cứ chủ đề gì.
7. Nói với bé dự định của mẹ
Nhất là khi chuẩn bị rời khỏi phòng hay rời khỏi nhà, bạn nên nói: “Mẹ đi chợ đây, con ở nhà chơi với bà nội nhé” hoặc “Mẹ sang phòng bên để lấy áo cho con”.
8. Xem sách giúp trẻ nhanh biết nói
Tiến sĩ Amada J.Moreno là chuyên gia nghiên cứu về học tập của trẻ tại Đại học Denver. Ông đã chia sẻ rằng “Chạm và cảm nhận về sách là điều tuyệt vời với bé 6 tháng tuổi trở xuống, khi các giác quan là một công cụ chính. Những quyển sách hình không có chữ sẽ là thứ bạn có thể thả sức sáng tạo nên câu chuyện của chính mình”
Trong những tháng đầu đời, đọc sách cho con nghe không phải là để bé hiểu cốt truyện hay những trải nghiệm trong đó. Đọc sách cũng là cách để bạn có thể trò chuyện và dạy con về các sự vật có trong hình ảnh của sách. Ví dụ trong trang sách có hình ảnh của cái cây, ngôi nhà và các chú chó, bạn có thể chỉ cho bé “ Đây là ngôi nhà” rồi hỏi bé “ Ngôi nhà đẹp không con”, “Đây là con chó”, “con chó nó sủa thế nào”…Phương pháp này giúp bé có thể hình dung được hình ảnh của sự vật, hơn nữa vốn từ vựng trong câu chuyện rất phong phú, bé sẽ được tiếp xúc với nhiều từ mà bố mẹ thường ít sử dụng hằng ngày.
9. Hát và kể chuyện cho bé
Đây được coi là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé. Bởi vì, hát và kể chuyện là công việc lặp lại nhiều lần, thông qua đó, bé sẽ ghi nhớ và tập “ê, a” theo. Nếu bé đã đến tuổi biết vỗ tay và nhún nhảy, bạn nên kết hợp việc cho bé nghe mẹ hát với hoạt động thể chất là vỗ tay hoặc nhún nhảy.
phununews.vn