Cãi nhau chỉ vì... cái quần sịp
Cu Tin nhà chị Nhiên (phố Minh Khai, Hà Nội) lên bốn tuổi và đang được mẹ huấn luyện mặc quần “sịp” cho vệ sinh và... lịch sự. Vì chuyện này mà mẹ và bà của cậu bé cãi nhau, bởi bà nội cho rằng bắt thằng bé mặc quần lót sớm như thế chẳng khác nào bó chặt không cho “mầm giống” của Tin phát triển.
Chị Nhiên giải thích là bây giờ hiện đại, mặc quần vừa với cơ thể, chất liệu vải tốt sẽ giữ vệ sinh và còn bảo vệ “con chim non” cho cu Tin tốt hơn. Nhưng bà nội vẫn cương quyết: “Ngày xưa bố nó có sịp siếc gì đâu mà vẫn vệ sinh đấy thôi. Chính vì để tự do thoải mái nên mới có cái giống tốt, đẻ được nó". Thế là cứ mẹ mặc quần lót vào cho Tin thì bà lại nhăm nhăm cởi ra.
Chị Xuyến (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cũng đang phân vân không biết đã nên sắm quần lót cho cậu con trai chuẩn bị vào lớp một hay chưa. Thằng bé kể với mẹ là một số bạn trai trong lớp đã mặc sịp rồi nên cũng muốn được như các bạn. Nhưng chị Xuyến lo rằng chiếc quần sịp sẽ làm “con cò bé bé” của con trai chị không lớn lên được.
Theo bác sĩ nam khoa Vũ Đức Tân, phòng khám Đức Tân, Cầu Giấy, Hà Nội thì việc cho các bé trai mặc quần lót sớm hay muộn hầu như không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của cơ quan sinh dục. Điều quan trọng nhất là mặc thế nào cho đúng để đảm bảo sức khoẻ cũng như sự thoải mái, tiện lợi cho bé trong các hoạt động hằng ngày.
Không cần mặc quần lót trước 10 tuổi
Dù là bé trai hay bé gái thì đồ lót cũng phải có kích cỡ vừa vặn, chất liệu thoáng khí, hút ẩm tốt
Theo bác sĩ Tân, thực chất quần lót nam có tác dụng trước hết là về mặt thẩm mỹ. Nó giúp cho cơ quan sinh dục nam được “cất giấu” kín đáo, gọn gàng hơn, đặc biệt trong tình trạng hưng phấn bất thường mà “ngóc đầu dậy" thì chủ nhân cũng không bị xấu hổ trước mặt người khác.
Tác dụng thứ hai là giữ vệ sinh cho “khu trung tâm”. Đối với một số người thường xuyên phải vận động nặng (như vận động viên thể thao) thì việc mặc quần lót cũng giúp bảo vệ cơ quan sinh dục nam không bị tác động do chạy nhảy mạnh.
Đối với các bé trai chưa đến độ tuổi dậy thì (thường là dưới 10 tuổi) thì tác dụng “ém quân” như trên là chưa cần. Quần lót chỉ giúp tránh va chạm, tổn thương cho bộ phận sinh dục khi vận động mạnh hoặc khi mặc các loại quần có chất liệu thô cứng.
Nhưng mặt trái của nó là nếu quần lót quá chật, chất liệu vải không tốt, không thay rửa thường xuyên thì rất có hại bởi ở độ tuổi này, trẻ rất hiếu động đùa nghịch, chạy nhảy liên tục nên cơ thể đổ mồ hôi liên tục, ứ đọng nhiều nhất ở vùng cơ quan sinh dục. Điều đó sẽ gây khó chịu cho bé, Nếu về lâu dài có thế gây viêm nhiễm và chắc chắn là không hề tốt cho tương lai của “thằng cu”.
Có mẹ khi thấy những phụ huynh khác cho con mặc quần lót thì cũng bắt cậu con trai 6 tuổi mặc, dù cậu bé không thích. Được mấy tháng, cậu bé bị nổi mẩn đỏ, ngứa toàn bộ vùng xung quanh cơ quan sinh dục. Đến bác sĩ, cậu bé được chẩn đoán là viêm da và viêm sinh dục do mặc quần chật và không thay rửa thường xuyên.
Ở giai đoạn trước 10 tuổi, nếu các bé trai không thích thì cũng không nên bắt buộc bé mặc quần lót. Tốt nhất cứ để cho “cậu bé" tự do phát triển mà không phải chịu bất cứ sự gò ép nào. Chỉ với các bé gái thì nên tập cho mặc “đồ nhỏ” từ khi 5 - 6 tuổi để giữ vệ sinh tốt hơn vì đặc điểm cơ quan sinh dục của bé gái “phức tạp” hơn bé trai.
Dù là bé trai hay bé gái thì đồ lót cũng phải có kích cỡ vừa vặn, chất liệu thoáng khí, hút ẩm tốt (tốt nhất là chọn loại vải 100% coton), và phải thay quần, vệ sinh cơ quan sinh dục mỗi ngày ít nhất là một lần. Buổi tối đi ngủ, nên khuyên bé cởi bỏ quần lót để cơ quan sinh dục được “thở”.
Báo Đất Việt