Khi trẻ cảm thấy thất vọng, tức giận, chúng có thể nói những lời gây tổn thương như "con ghét mẹ". Đây là cụm từ ngắn gọn nhưng nếu phải nghe từ chính miệng con là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là lần đầu tiên nghe thấy.
Ariadne Brill, một bà mẹ luôn hạnh phúc và bận rộn với ba đứa con nhỏ đã chia sẻ câu chuyện đáng suy ngẫm của mình. Mùa hè năm ngoái, khi đang đi nghỉ, con trai 4 tuổi của cô đã yêu cầu một món đồ chơi tại một cửa hàng và cô đã từ chối mua nó. Con trai của cô lúc đó đã nheo mắt lại, khuôn mặt căng thẳng và hét lên "Con ghét bạn". Cô chưa bao giờ nghe những lời như vậy từ con trai mình trước đây và điều đó khiến cô khá bất ngờ.
Tình yêu thương cha mẹ dành cho con là rất thiêng liêng và vô bờ bến, bởi thế, bạn sẽ cảm thấy sốc khi con yêu bảo "Con ghét mẹ", đồng thời có những hành động và thái độ bất hợp tác. Trong những trường hợp đó, bạn nên giữ sự bình tĩnh và ứng phó khôn khéo nhất để con lấy lại được sự cân bằng sau cú sốc tâm lý và trở thành một đứa trẻ ngoan hơn.
Không ít cha mẹ trở nên nóng nảy, quát mắng hoặc trả lời con theo những cách sau:
- "Vậy à, mẹ cũng ghét con".
- "Sao cũng được".
- "Con đang nói gì vậy".
- "Tối nay mẹ sẽ không nấu cơm cho con nữa".
- "Sao con dám nói vậy".
Vấn đề là giận dữ đáp trả lại cũng không cứu vớt tình hình được, cũng không dạy được cho trẻ cách điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực. Bình tĩnh trả lời không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng thực sự trong giây phút đó, con cái cần bố mẹ phải nhạy cảm, động lòng, yêu thương và đồng cảm. Tôi nhớ đã từng đọc đâu đó rằng: khi con cái ghét ba mẹ của nó, hãy dùng tấm lòng bao dung của bậc làm cha làm mẹ để tha thứ lỗi lầm ngây dại của con. Chinh phục "hận thù" bằng tình yêu thương dành cho nhau.
Bản thân Ariadne Brill cũng không ngoại lệ, lúc đó cô cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, lúc đó cô nhớ mẹ cô từng dạy rằng: "Khi con cái ghét cha mẹ, hãy dùng tấm lòng bao dung của bậc làm cha mẹ để tha thứ lỗi lầm của con cái vì giận dữ cũng không cứu vớt được tình hình".
Vào ngày hôm đó, cô đã không mua đồ chơi cho con trai và nói với cậu rằng: "Chắc bây giờ con thực sự thấy buồn bã và khó chịu lắm phải không". Con chó của gia đình tôi đã qua đời cùng ngày hôm đó và chúng tôi đã phát hiện ra chỉ vài phút trước khi vào trong cửa hàng. Ngay sau khi được hỏi như vậy, những giọt nước mắt bắt đầu chảy và cậu con trai nói rằng mình rất buồn khi chú chó chết và mẹ cũng không mua món đồ chơi mà cậu yêu thích.
Cô hỏi con trai mình có muốn ôm không và ngay lập tức cậu sà vào vòng tay mẹ. Sau khi rời cửa hàng, 2 mẹ con kể về những kỷ niêm của gia đình và chú chó rồi cùng ôm nhau khóc.
Qua câu chuyện của mình, Ariadne Brill khuyên các bà mẹ nên giữ bình tĩnh khi con nói "Con ghét mẹ", tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với con. Đừng nói gì, hãy ở bên con: con có thể còn có nhiều cảm giác khó chịu khác trong lòng.
Hãy thử một câu nói nhẹ nhàng và thấu hiểu:
"Con buồn lắm phải không?"
"Có phải con không muốn nghe những lời mẹ vừa nói"
Xem xét lại chuyện gì đã và đang xảy ra:
"Có lẽ những gì mẹ đã nói làm con thấy rất khó chịu"
“Mẹ biết bây giờ con đang ghét mẹ lắm"
"Được rồi. Thì ra là con không thích quyết định của mẹ".
Đợi cho cơn nóng giận qua đi:
"Khi con sẵn sàng chia sẻ với mẹ, mẹ sẽ lắng nghe".
"Mẹ sẽ ở đây chờ con bình tĩnh hơn".
"Có lẽ con cần yên tĩnh một chút, vậy nên mẹ sẽ đi một lúc. Khi nào con muốn nói chuyện thì hãy đến".
Không có gì có thể chia cắt tình mẫu tử, nếu các bạn biết cách chăm sóc và hiểu tâm lý của trẻ thì tình cảm gia đình sẽ ngày càng được gắn khít. Từ đó, sẽ không có một cú sốc tâm lý nào ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ nữa. Bạn cần hướng dẫn cho trẻ những cách nói khác phù hợp hơn để thể hiện cảm xúc của mình. Thay vì nói "con ghét mẹ" thì bé có thể nói "Mẹ ơi, con không thích điều này" để chúng trở nên lễ phép ở bất kì hoàn cảnh nào. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương nhiều hơn từ bạn qua những sự quan tâm và chia sẻ từ ba mẹ.
Nếu làm được, vấn đề không chỉ được giải quyết mà hai mẹ con có cơ hội lắng nghe và thấu hiểu nhau hơn.
Huyền Nguyễn (Theo Nld.com.vn)