1. Trở thành người giỏi nhất không phải là điều quan trọng của cuộc sống
Hầu hết hệ thống giáo dục của Đan Mạch được xây dựng không phải nhằm mục đích đào học sinh vượt qua các kì thi, các bài kiểm tra hết môn mà nhằm đảm bảo cho trẻ em được phát huy hết khả năng sáng tạo, sự ham mê khám phá của mình.
Trường học luôn nhìn nhận rằng: mỗi đứa trẻ đều mang một phẩm chất, ưu thế khác nhau, vì vậy, luôn khuyến khích chúng phát huy hết khả năng của mình và được là chính mình. Họ đào tạo để bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể kiếm được một công việc phù hợp với bản thân mà không có sự phân biệt nghề nghiệp nào.
Chương trình học được xây dựng trên ý tưởng mọi sinh viên đều có thể hiểu và thích nghi với nó, do vậy không sinh viên hay học sinh nào phải bỏ học hoặc chật vật với việc học. Hệ thống giáo dục được định hướng đào tạo không chỉ là thành tích mà còn hướng đến việc làm thế nào để mang năng lực của mình ra giúp đỡ mọi người.
2. Hiểu bản thân mình quan trọng như biết đọc và biết viết
Như đã nhấn mạnh, chương trình học ở Đan Mạch luôn hướng đến việc phát triển và hòa thiện khả năng và nhân cách của từng cá nhân. Họ cho rằng: hệ thống giáo dục tiểu học không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản và kỹ năng thiết yếu mà còn cần phải giúp cá tính trong mỗi đứa trẻ có cơ hội phát triển. Việc hiểu rõ thế mạnh, thế yếu của bản thân, học tính khoan dung, vị tha trong cuộc sống cũng quan trọng như biết đọc và biết viết ở quốc gia này.
3. Không khuyến khích học vẹt
Tại các trường học ở Đan Mạch, học sinh sinh viên được khuyến khích và tạo điều kiện tự mình tìm kiếm thông tin, tiến hành các thí nghiệm để rút ra kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân chứ không chỉ nghe chúng qua lời giảng của các thầy, cô giáo. Thậm chí, học sinh còn được dạy về việc cần phải hoài nghi, đặt câu hỏi trước những tuyên bố của người khác, học cách xây dựng ý kiến cá nhân của riêng mình.
Sáng tạo, tư duy phê phán, và sự tự chủ động, mong muốn tham gia các hoạt động trong xã hội là những phẩm chất mà được coi là hữu ích; khả năng ghi nhớ một đoạn văn từ sách giáo khoa được coi là không quá quan trọng ở đây.
4. Chất lượng của học sinh được đặt lên hàng đầu chứ không phải là điểm số
Đan Mạch là một trong mười quốc gia hàng đàu cho các cấp học và được coi là hệ thống giáo dục có chất lượng đứng thứ ba trên toàn thế giới.
Tại Đan Mạch, điều quan trọng đối với học sinh trung học và sinh viên đại học là học tập như một quá trình tận hưởng và trải nghiệm chứ không phải nhìn nó như là một tiến trình vô tận của mệt mỏi, chật vật với đống bài tập mà thời gian nghỉ ngơi chỉ đến vào cuối tuần.
Đối với những công dân trẻ tuổi người Đan Mạch chưa có định hướng chính xác trong cuộc sống hoặc có khó khăn với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình trong xã hội, hệ thống giáo dục của Đan Mạch sẽ cung cấp một cơ hội cho các thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-18 có thể dành một năm học tập tại các trường đặc biệt để có quyết định những gì họ muốn làm gì tiếp theo.
Do đó cho các em học sinh có nhiều cơ hội để phát triển và khám phá ra tài năng và sự sáng tạo của họ trong mọi lĩnh vực như" thể dục thể thao, nghệ thuật và hàng thủ công. Học sinh được khuyến khích để giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và sinh hoạt.
5. Mọi người trẻ em đều có cơ hội như nhau
Ở Đan Mạch, chỉ có 11% chọn nghề nghiệp với tiêu chí lương được đặt lên hàng đầu. Với hầu hết những công dân ở đây, nghề nghiệp phải đáp ứng được 2 yêu cầu: phù hợp với bản thân và đem lại hạnh phúc cho mình và lợi ích cho mọi người.
Việc lựa chọn một nghề được hỗ trợ bởi hệ thống định hướng nghề nghiệp của đất nước. Một dịch vụ xã hội cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, tương ứng với nguyện vọng, mong muốn của học sinh, sinh viên trong tương lai. Tại các lớp học này, học sinh được thảo luận thường xuyên về kế hoạch của mình với giáo viên để tìm ra hướng đi đúng đắn nhất. Theo khảo sát, 50% các công dân trẻ Đan Mạch tin rằng họ hoàn toàn tự do lựa chọn tương lai của mình.
Giáo dục ở Đan Mạch là miễn phí và được trợ cấp bởi nhà nước. Tất cả học sinh, dù điều kiện kinh tế, hoàn cảnh ra sao đều được bao cấp học phí và phí sinh hoạt.
Diệu Anh (Theo Giadinhvietnam.com)