Bạn đã bao giờ để ý đến chỉ số EQ của con mình chưa? IQ quyết định sự thông minh của trẻ, là yếu tố bẩm sinh; trong khi EQ cao thấp quyết định khả năng xử lý tình huống và giao tiếp, có thể rèn luyện sau này. Trẻ EQ thấp thường thiếu tự tin, kém giao tiếp, ảnh hưởng đến mối quan hệ và sự nghiệp sau này. 5 biểu hiện EQ thấp dưới đây, cha mẹ cần uốn nắn ngay.
1. Thiếu khả năng tự kiểm soát
Ví dụ: bé Nguyên học lớp 7, tự chủ kém. Sáng nào bà cũng phải thúc giục từ 7h, chuẩn bị đồ ăn, quần áo, nhưng bé vẫn thường xuyên đi học muộn. Tối về chỉ chơi điện thoại, xem TV, đến 10h đêm mới cuống cuồng làm bài, cáu gắt vì không kịp.
Trẻ thiếu ý thức thời gian, làm việc không kế hoạch, phụ thuộc người khác thường học tập kém hiệu quả, dễ bị phân tâm.
2. Than vãn, đổ lỗi
Ví dụ: bé Hào đi dã ngoại, nghịch ngợm suốt đường, không nghe lời cô. Khi bị vấp ngã, bé khóc lóc đổ lỗi: "Bạn đi trước chậm quá nên con mới ngã".
Trẻ hay oán trách hoàn cảnh, không tự nhìn nhận bản thân, gặp khó là kêu ca, khó cảm nhận niềm vui cuộc sống. Lớn lên khó gánh vác trách nhiệm.
Trẻ có chỉ số EQ thấp sẽ dễ thiệt thòi trong cuộc sống sau này (Ảnh minh họa)
3. Khả năng chịu thất bại kém
Ví dụ: Hai bé thi xếp hình, Tiểu Ái xếp được 8 khối, bạn kia xếp 12 khối. Thấy bạn cao hơn, Tiểu Ái liền đẩy đổ, hét: "Không tính! Chơi lại!".
Trẻ không chấp nhận thua cuộc, dễ mất kiểm soát cảm xúc, tính khí thất thường khiến bạn bè xa lánh.
4. Lấy mình làm trung tâm
Ví dụ: Tiểu Kiệt ở trường là "vua lớp", thấy bạn gái đang chơi xích đu, liền đẩy bạn xuống rồi tự leo lên cười khoái chí.
Trẻ chỉ quan tâm nhu cầu bản thân, không hiểu cảm giác người khác, dễ đánh mất tình bạn.
5. Chế nhạo người khác
Ví dụ: Trong lớp có bé nói lắp, khi tranh luận, Ngưu Ngưu chế giễu: "Ê ê, nói không ra hả? Nhục nhục!" khiến bạn bỏ đi giận dỗi.
Trẻ thích hạ thấp người khác để nổi bật bản thân thường thiếu bao dung, để lại ấn tượng kém giáo dục.
Giai đoạn vàng bồi dưỡng EQ: 3-12 tuổi
Dù có nhiều "trẻ hư", nhưng cũng không thiếu những em bé EQ cao trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, giai đoạn vàng bồi dưỡng EQ cho trẻ là từ 3-12 tuổi, cha mẹ hãy làm những việc sau đây:
Thấu hiểu cảm xúc con
Đồng hành cùng con, dùng sự đồng cảm để xoa dịu, đặt mình vào vị trí của trẻ để thấu hiểu và định hướng tích cực.
Tôn trọng cảm nhận của trẻ
Ngay cả người lớn cũng dễ mắc sai lầm và cáu giận. Khi con hỏi: "Bố/mẹ có thể ngừng giận không?" thì bố mẹ nên nhận ra lỗi và xin lỗi ngay khi có thể.
Giúp con nhận diện cảm xúc
Khi con gặp vấn đề ở trường hay chơi với bạn, cha mẹ nên giúp con nhận diện cảm xúc như "Con như vậy là ích kỷ, con trai không nên thế"...
Rèn luyện sự đồng cảm
Trẻ biết đồng cảm sẽ hiểu được nỗi buồn của người khác (ví dụ: "Bạn ấy buồn vì không ai chơi cùng") và biết cách an ủi, chia sẻ.
Đối diện nghịch cảnh bằng thái độ tích cực
Khi trẻ bị thất bại, cha mẹ nên giải thích kiểu: "Đây chỉ là trò chơi, con đã rất giỏi, không phải lúc nào cũng thắng được".
Cha mẹ là gốc, con cái là hoa
Theo tâm lý học, trẻ EQ thấp phần lớn do giáo dục gia đình sai cách hoặc ảnh hưởng từ môi trường tiêu cực. Cha mẹ thường thấy "vấn đề" ở con mà không nhận ra đó chính là "bóng dáng" của mình. Trong gia đình, cha mẹ như gốc rễ, con cái như đóa hoa. Cách bạn đối xử với con hôm nay chính là cách con đối xử với thế giới sau này.
Giai đoạn 3-12 tuổi là thời điểm vàng để rèn EQ. Nếu đã lỡ giai đoạn này, đừng lo - bài học EQ tốt nhất luôn nằm trong từng khoảnh khắc đời thường bạn đồng hành cùng con ở mọi thời điểm.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)