Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn con cái ngoan ngoãn, lễ phép, sau này thành tài. Tuy nhiên, có nhiều bố mẹ lại có phương pháp dạy sai khiến cho con tự ti vào bản thân.
Chỉ trích con trước người khác
Trẻ con thường nghịch ngợm, hiếu động thậm chí đôi lúc bướng bỉnh. Có những bố mẹ thiếu kiên nhẫn, khi thấy con làm sai liền chỉ trích con kể cả khi có người khác đang ở cạnh. Sự chỉ trích này khiến con trở nên tự ti, rụt rè, sợ hãi và mỗi lần gặp người ta lại thấy mình tội lỗi. Trẻ khoảng 2 tuổi là đã có thể phân biệt được ý nghĩa từ “của tôi” và “của người khác”, có thể hiểu được người lớn đang nói về mình hay không và rất quan tâm đến đánh giá của người lớn về bản thân. Cách cha mẹ chỉ trích con như vậy không dạy được con mà sẽ chỉ càng khiến trẻ mặc cảm và đầu óc tăm tối đi. Đôi khi trẻ sẽ phớt lờ luôn lời của cha mẹ.
So sánh con với người khác
Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Chắc hẳn bạn cũng không muốn bị so sánh với người khác vì vậy đừng so sánh con với những đứa trẻ khác. Sự so sánh sẽ khiến con cảm thấy mặc cảm, ngại giao tiếp, luôn thấy mình không tốt mọi mặt so với các bạn khác.
Trong khi đó nếu không so sánh, bé chỉ tập trung hết năng lượng vào bước đi của mình. Cha mẹ khôn ngoan là tìm ra điểm mạnh của con và khuyến khích bé chứ không phải đòi hỏi bé thành phiên bản của người khác. Trẻ chỉ cần tiến bộ hơn so với chính con ngày hôm qua, chỉ tập trung vào điều đó thì mọi việc sẽ tốt hơn.
Không tôn trọng quyền riêng tư của con
Con cái cần được tôn trọng quyền riêng tư. Bạn nên là bạn của con chứ không phải người kiểm soát con. Khi trẻ bị xâm phạm quyền riêng tư trẻ sẽ bớt cởi mở với cả cha mẹ để giữ vùng an toàn cho riêng mình. Do đó bạn sẽ khó tiếp cận con hơn. Hơn nữa khi bạn thường xuyên vi phạm quyền riêng tư của con thì con sẽ phản kháng và tìm mọi cách chứng minh hoặc tránh xa cha mẹ. Bạn cũng nên nhớ những người thân khác khi vi phạm quyền riêng tư của con bạn hãy nhắc nhở họ.
Không công nhận cố gắng của trẻ
Trẻ lớn lên từ sự khích lệ và khen ngợi. Điều đó không có nghĩa bạn cố tạo ra chiến thắng giả cho con nhưng bạn cần ghi nhận khi con làm được việc gì đó dù nhỏ thôi. Đôi khi bạn cho rằng cần khiêm tốn nói: “Không, nó nghịch ngợm lắm”, "Không, con học bình thường, có gì đâu",... Không cần phải như vậy, hãy cám ơn khi người khác khen con bạn thay vì không ghi nhận như thế. Việc chối bỏ lời khen khiến trẻ nghĩ chúng chưa làm được điều bạn muốn và chúng thấy không được tôn trọng, chúng tự ti.
Nuôi dạy con là một trải nghiệm khó nhưng bạn vượt khó bao nhiêu thì con thành công bấy nhiêu. Hãy cùng cố gắng để có một thế hệ tương lai vững mạnh bạn nhé!
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)