Trong cuộc sống có rất nhiều đứa trẻ dù học khá nhưng chẳng bao giờ dám giơ tay phát biểu; Bị bạn bắt nạt chỉ biết cam chịu; Nghe đến "biểu diễn trên sân khấu" là mặt đỏ bừng đến tận mang tai; Người khác nói một câu có thể nhớ mãi, càng nghĩ càng thấy tổn thương...
Nhiều bà mẹ chỉ biết cười khổ: "Con tôi có lẽ trời sinh đã nhút nhát, thiếu chính kiến."
Nhưng có lẽ, sự "yếu đuối" của trẻ không phải do bẩm sinh, mà bắt nguồn từ cách giáo dục của người cha. Có những người cha ôn hòa biết tiết chế, giúp con trưởng thành đầy tự tin. Cũng có những người cha tưởng tốt cho con, nhưng vô tình lại dập tắt khí chất của đứa trẻ. Dưới đây là 4 kiểu người cha dễ nuôi dạy những đứa trẻ nhút nhát và tự ti, khó thành công khi lớn lên:
1. Người cha độc đoán
Đặc trưng của kiểu cha này là luôn muốn con "nghe theo mình". Bất kể con có thích hay không, anh ta chỉ khăng khăng một câu - "Con phải nghe lời bố". Con muốn học vẽ, bố quát: "Học vẽ nuôi được bản thân không?" rồi ép đăng ký lớp toán. Con chơi cát, bố lập tức kéo đi: "Bẩn thế, muốn ăn đòn không?". Từ lớp năng khiếu, chọn ngành học đến việc kết bạn đều phải qua "cửa ải" của bố.
Câu cửa miệng "Con phải ngoan" là thứ trẻ sợ nhất. Dù miệng nói "Bố làm thế vì con", nhưng trong lòng đứa trẻ chỉ cảm nhận được: "Bố chưa bao giờ tôn trọng con". Những đứa trẻ này khi nhỏ có vẻ ngoan ngoãn, nhưng càng lớn càng thiếu chính kiến. Gặp việc thường do dự, lo lắng, sợ sai lầm.
Mua bất cứ thứ gì cũng hỏi: "Cậu thấy cái nào tốt hơn?" Bởi chúng đã quen với việc: "Mình không có quyền quyết định".
Có câu nói đau lòng: "Đứa trẻ bị kiểm soát từ nhỏ, lớn lên cũng dễ bị người khác thao túng". Khi không còn sự sắp đặt của cha mẹ, chúng như con diều đứt dây - không phương hướng, thiếu sức mạnh nội tâm.
Dù bề ngoài ngoan ngoãn, nhưng bên trong hoàn toàn trống rỗng. Nếu chồng bạn thuộc tuýp này, hãy cho con thêm "quyền lựa chọn" và "quyền được nói không". Dù là việc nhỏ, hãy để con tập "làm chủ", từ đó xây dựng cảm giác kiểm soát và nội lực.
2. Người cha hay chê bai
Kiểu cha này ăn nói như dao cứa - khi thì mỉa mai lạnh lùng, lúc lại châm chọc nóng bỏng. Con mắc lỗi nhỏ, ông ta xem như tội đại hình: "Việc đơn giản thế mà không làm được"; "Đầu óc để đựng nước à?"; "Nhìn con nhà người ta rồi nhìn lại mình!"
Ngoài xã hội, anh ta có thể khéo léo, giỏi giang, nhưng về nhà lại trở thành "chuyên gia hạ bệ" con cái. Con được 95 điểm: "5 điểm kia đâu? Sao không được 100?". Con quét rơi rác: "Đồ vô dụng, làm gì cũng hỏng"...
Những lời chê bai độc hại này tưởng giúp con mạnh mẽ hơn, nhưng thực tế chỉ khiến trẻ thêm tự ti. Khi bị chửi "vô dụng" từ nhỏ, lớn lên dù được khen vẫn nghĩ: "Không phải đâu, chỉ là may mắn thôi". Đứa trẻ bị chê bai lâu ngày luôn mang cảm giác "mình không đủ tốt".
Làm gì cũng tự phủ định, càng muốn thể hiện càng dễ sai. Sợ bị đánh giá, sợ thất bại - vì đã bị "giáo dục bằng áp lực" đè bẹp. Nếu cha chỉ trao cho con những lời mỉa mai, phủ định, não đứa trẻ sẽ ghi khắc "mình không thể", "mình kém cỏi".
Gặp trường hợp này, mẹ cần "kéo con lại" bằng cách khích lệ, dù chỉ là: "Con xếp đồ chơi gọn ghẽ lắm".
Sự tự tin của trẻ được xây từng chút qua những câu "con làm được". Đừng để khi con lớn, có đủ thứ nhưng lại thiếu tự tin.
3. Người cha vắng mặt
Kiểu cha này miệng nói "tất cả vì gia đình", nhưng thực tế "gia đình" của anh ta chỉ gồm công việc, hội họp, bạn bè - duy nhất thiếu con cái.
Con muốn kể chuyện trường lớp, anh ta vừa lướt điện thoại vừa hời hợt: "Ừ, tốt đấy". Con muốn chơi cùng, bố đẩy ra: "Tìm mẹ đi". Thậm chí có ông bố ngang nhiên tuyên bố: "Bố vất vả kiếm tiền không phải để hai mẹ con sung sướng hơn sao?"
Nhưng dù có thời gian, họ cũng dành cho nhậu nhẹt, tụ tập, điện thoại - chứ không phải con.
Nghiên cứu chỉ ra: Sự hiện diện của cha ảnh hưởng lớn đến cảm giác an toàn, giá trị bản thân và kỹ năng xã hội của trẻ. Nói cách khác - cha càng tham gia, con càng tự tin; cha càng "vô hình", con càng rụt rè.
Để "cha vắng mặt" quay về, hãy khuyến khích họ bắt đầu từ những việc nhỏ: Ăn tối cùng con; Đi dạo cùng con; Lắng nghe con kể chuyện.
Một người cha thường xuyên hiện diện không cần quá tài năng, chỉ cần ánh mắt quan tâm, sự đáp lại chân thành cũng đủ làm nên khác biệt.
4. Người cha bạo lực
Không chỉ đánh đập, kiểu cha này còn quát tháo, hằn học, đe dọa, sỉ nhục như: "Mày nói nữa là tao tống cổ ra khỏi nhà"; "Không nghe lời là ăn đòn đấy"; "Còn khóc là tao cho mày khóc thật"...
Đây không phải giáo dục, mà là khủng bố tinh thần. Cơn giận của họ đến nhanh đi nhanh, đánh chửi xong lại yên tâm lướt điện thoại. Họ nghĩ "trẻ con mau quên", nhưng thực tế, một câu nói ác ý có thể ám ảnh đứa trẻ cả đời.
Đặc điểm của trẻ sống trong sợ hãi đó là: Nhút nhát, phản ứng thái quá; Nhạy cảm, sống khép kín; Luôn tìm cách làm hài lòng người khác.
Chỉ một lời nói nặng của người khác cũng khiến trẻ run rẩy xin lỗi. Trẻ cố gắng thể hiện tốt chỉ vì "sợ người ta giận". Chúng im lặng trong đám đông vì "sợ nói sai bị mắng".
Đứa trẻ bị quát mắng thường xuyên lớn lên hay nói: "Xin lỗi". Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ này có xu hướng trở thành bản sao của cha - hoặc trở nên yếu đuối, hoặc hung hăng; hoặc kìm nén, hoặc làm tổn thương người khác.
Nếu nhận ra chồng mình thuộc các kiểu trên, đừng vội trách móc. Thay vào đó, khi họ có biểu hiện tương tự, hãy nhẹ nhàng hỏi: "Anh có muốn con lớn lên giống mình không?". Nếu không, hãy cùng nhau thay đổi để trở thành tấm gương tốt.
Tóm lại, cây non muốn vươn cao cần đủ nắng, mưa, đất đai. Sự trưởng thành của trẻ không chỉ cần nước tưới, mà còn cần ánh mặt trời ấm áp. Tình yêu của người cha không chỉ là trách nhiệm chu cấp, mà còn là sự đồng hành ấm áp.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)