1. "Nói bao nhiêu lần rồi mà sao con không nghe lời"
Trong cuộc sống, trẻ con không thể tránh khỏi việc mắc lỗi, thậm chí lỗi đó thường lặp đi lặp lại nhiều lần. Lúc này, cha mẹ thường hay buông câu: "Nói bao nhiêu lần rồi mà sao con không nghe lời". Câu nói này sẽ làm trẻ cảm thấy rụt rè. Về lâu dài, trong tương lai, trẻ sẽ không dám thực hiện bất cứ điều gì và làm gì cũng sợ sệt. Thay vì sử dụng câu nói trên, bạn cần làm là cố gắng giải thích cho con hiểu những gì sai về hành vi của chúng, cách để nó tránh hoặc không tái phạm.
Ví dụ, đứa trẻ thích chạy nhảy lung tung, trong nhà có nhiều chai lọ, đồ thủy tinh... sẽ dễ gây đổ vỡ. Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu tác hại của việc làm đó, nếu không cẩn trọng, con sẽ đau, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nên khuyến cáo trẻ không được chạy lung tung trong bếp, không được chơi gần các vật sắc nhọn, tránh xa nước sôi...
2. "Con hãy học tập bạn kia..."
Nhiều cha mẹ hay so sánh con cái với người khác và hay nói rằng con hãy học tập bạn kia, học tập người khác... Nhưng điều này quả thật sai lầm bởi đứa trẻ nào cũng có những ưu và nhược điểm riêng. Thật không công bằng khi so sánh ưu điểm của người khác với nhược điểm của chính con mình. Đương nhiên điều đó sẽ làm cho trẻ dễ tổn thương tâm lý, cảm thấy mình thua kém người khác, bị tự ti.
3. "Hãy làm như mẹ nói"
Không ít cha mẹ luôn bắt con phải tuân lệnh "hãy làm như mẹ nói...", và thực hiện nghiêm khắc như một cái máy. Điều này sẽ thể hiện cha mẹ đã bỏ qua cảm xúc của trẻ. Bất cứ đứa trẻ nào cũng có suy nghĩ và nhận định riêng, cha mẹ nên lắng nghe ý kiến của trẻ một cách hợp lý. Từ việc làm này, giữa cha mẹ và con cái mới không có khoảng cách, có thể chia sẻ mọi chuyện với nhau.
4. "Não heo, ngu xuẩn... dạy làm sao được"
Rất nhiều cha mẹ than phiền việc dạy học cho con mãi không hiểu rồi buông câu: "Não heo, ngu xuẩn...". Nhưng có một thực tế là cha mẹ dùng những lời khiển trách nặng nề cũng không vì thế mà trẻ ngoan hơn, giỏi lên. Thậm chí, chúng sẽ buồn bã, kém tự tin và chậm chạp hơn. Bởi vậy, cha mẹ nên tìm hiểu vấn đề sâu xa của con, đưa ra những hướng dẫn đơn giản dễ hiểu và giải thích ngắn gọn. Rồi từ đó tìm ra phương pháp dạy hợp lý để con ngày một tiến bộ, thay vì đánh đập, mắng mỏ hoặc dùng ngôn ngữ bạo lực.
Mimi (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)