Nhưng khi nói đến các kỹ năng và kiến thức cụ thể, nhiều bậc cha mẹ không khỏi ngạc nhiên bởi con họ dự kiến sẽ cần biết bao nhiêu thứ trước khi đi mẫu giáo. Nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ được chuẩn bị tốt cho năm học đầu tiên của chúng có cơ hội ổn định và thành công tốt hơn nhiều, giúp chúng có một khởi đầu đáng kể cho những năm sau này.
Dưới đây là 10 kỹ năng phổ biến nhất mà trẻ nên biết để giúp họ cảm thấy tự tin và sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu lớn nhất của mình.
Lắng nghe và làm theo chỉ dẫn
Đến khi đi học, hầu hết trẻ em đều sẽ biết lắng nghe và làm theo từ 2 đến 3 chỉ dẫn đơn giản do giáo viên đưa ra.
Giải pháp: Hãy cho con tập làm các việc nhà đơn giản, ví dụ như cất đồ chơi vào đúng chỗ, dọn bàn ăn. Hãy dùng những chỉ dẫn 2 phần như: "Hãy nhặt đồ chơi của con và cất chúng vào trong thùng đựng", hoặc chỉ dẫn 3 phần, như "Hãy để thìa, cốc và khăn ăn lên bàn".
Biết trình bày nhu cầu của mình
Để bản thân nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết (điều này đôi khi cực kỳ quan trọng, mang ý nghĩa sống còn trong các trường hợp khẩn cấp khi mà lớp học quá đông và giáo viên có thể không quan sát được hết), trẻ cần được dạy cách trình bày nhu cầu của mình, đặc biệt là với giáo viên.
Giải pháp: Hãy khuyến khích con phát biểu một câu đầy đủ gồm 5 đến 6 từ, kiểu như "Con muốn được uống nước, thưa cô", hoặc "Con cần cô giúp con đọc từ này"... Hãy luôn khuyến khích con giải thích những cảm giác của mình, ví dụ: "Thưa cô, chân con bị đau", hoặc "Thưa cô, con cảm thấy khó thở"... chẳng hạn.
Tự làm các việc cá nhân
Trẻ học ở lớp mẫu giáo lớn hoặc trẻ lên lớp 1 nên được dạy cách tự cởi và mặc quần áo, mở hộp đồ ăn trưa, mở hộp đồ uống, buộc dây giày... vì đây là những kỹ năng sống độc lập quan trọng mà trẻ càng nắm vững thì cuộc sống của các em sẽ càng thuận lợi và dễ dàng hơn.
Giải pháp: Giúp con tập luyện hàng ngày, ví dụ mỗi sáng, hãy hướng dẫn con thay quần áo cho đến khi con có thể tự làm. Điều này bao gồm việc kéo khóa quần, cài cúc áo, đi tất, đi găng tay, mặc áo khoác. Bạn cũng hãy dạy con cách mở hộp đồ ăn và đừng quên khuyến khích và khen ngợi con khi con đã thực hiện được một nhiệm vụ.
Biết chia sẻ đồ chơi và chờ đến lượt
Một việc quan trọng khi bắt đầu đến trường là hòa hợp tốt với người khác, hoàn thành một nhiệm vụ tập thể và đối xử với người khác bằng sự tôn trọng.
Giải pháp: Ở nhà, phụ huynh có thể cùng con chơi, ví dụ cờ cá ngựa chẳng hạn, để con làm quen với việc "chờ đến lượt". Nếu bạn có nhiều đứa con, hãy khuyến khích chúng cùng tham gia một dự án để hiểu được sự đoàn kết và phối hợp của tập thể.
Hiểu và kể lại các câu chuyện đơn giản
Trong năm đầu tiên đi học, trẻ em nên có khả năng lắng nghe và hiểu được các câu chuyện ngắn. Đa số sẽ còn có khả năng kể lại những câu chuyện ấy, và một số xuất sắc sẽ còn kể lại chính xác gần như nguyên văn câu chuyện.
Giải pháp: Nếu bạn chưa có thói quen đọc truyện cho con nghe, hãy áp dụng ngay, không bao giờ là quá muộn để làm việc này. Nhiều cuộc nghiên cứu khoa học đều đã chứng minh rằng những trẻ được bố mẹ (hoặc người thân) đọc truyện thường xuyên cho nghe ở nhà có kết quả học tập tốt hơn nhiều so với những em khác. Do đó, hãy khuyến khích con bạn kể lại các câu chuyện bằng cách vẽ các bức tranh, dùng các con rối và đóng vai nhân vật.
Phân loại được các đồ vật
Trẻ ở độ tuổi đến trường nên biết cách phân loại các đồ vật dựa trên những thuộc tính đơn giản như màu sắc, hình dáng, chức năng của các loại đồ ăn, quần áo, đồ chơi...
Giải pháp: Hãy dùng các quyển sách, đồ chơi, viên kẹo và yêu cầu con sắp xếp những thứ có cùng màu sắc hoặc kích thước chẳng hạn. Bạn có thể nâng dần số lượng các món đồ khi thấy con đã tiến bộ.
Nhận dạng được các hình dạng, màu sắc, họa tiết cơ bản
Những kỹ năng nền tảng này sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng làm toán tốt hơn.
Giải pháp: Hãy giúp con học bằng trò chơi, ví dụ như phơi quần áo lên dây phơi, rồi yêu cầu con kể tên các màu sắc trên đó, hoặc khi đi xe, cho con quan sát biển báo giao thông để học về các hình dạng như hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác...
Nhận diện được các con số
Năm học đầu tiên, nhiều trẻ em đã biết đếm đến ít nhất là 30 và khi cho 1 số bất kỳ, ví dụ là số 20 thì các em sẽ biết số đứng trước và số đứng sau nó là số nào.
Giải pháp: Hãy giúp con học các con số qua các trò chơi vui vẻ, các hoạt động thiết thực hàng ngày như chỉ cho trẻ xem giờ trên đồng hồ, xem các con số trên phím bấm điện thoại... Hãy cho trẻ xem cách thức các con số được sử dụng trong những hoạt động hàng ngày như cách làm theo 1 công thức nấu ăn, ghi tỷ số bàn thắng bàn thua trong 1 trận đấu...
Nhận diện các chữ cái cùng cách phát âm
Hầu hết các trẻ em đến tuổi đi học sẽ biết các chữ cái trong bảng chữ cái, và bắt đầu hiểu được mối liên hệ giữa các chữ cái này và cách phát âm chúng. Một số trẻ còn biết đọc và viết được tên của mình.
Giải pháp: Hãy cho con làm quen với các bảng chữ cái có chữ viết hoa và chữ viết thường, mua phần mềm học chữ cái dành cho trẻ em để con vừa học vừa chơi.
Nhận diện các từ đơn giản
Việc học cách nhận diện và đọc những từ đơn giản là rất quan trọng với trẻ em trong việc giúp trẻ rèn luyện kỹ năng đọc trôi chảy. Khi lên 4 tuổi, trẻ có thể đọc được vài từ đơn giản này và đến khi đi học năm đầu tiên, con số này tăng lên là khoảng 20 từ.
Điều bạn nên làm: Hãy cho con chơi các trò chơi để học các từ đơn giản, như bố, mẹ, anh, chị, tốt, xấu, đau, đói... Trẻ càng nhận diện được nhiều từ đơn giản thì càng tự tin và thích ứng tốt với các bài tập đọc trên lớp.
Tuy nhiên, dù việc học những từ đơn giản trước khi đến trường đem lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kỹ năng đọc sớm, nhưng bố mẹ cũng không nên quá lo lắng nếu trẻ chưa hoàn thiện được kỹ năng này.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)